Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 được giao dịch trên sàn Đại Liên tăng 10% lên mức cao kỷ lục 1.326 CNY (tương đương 206,3 USD)/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Singapore tăng 9,5% lên 224,65 USD/tấn.
Công ty Mysteel cho biết, tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc giảm 2,05 triệu tấn xuống 131,05 triệu tấn – thấp nhất gần 2 tháng.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 6% lên 6.012 CNY/tấn – mức cao kỷ lục. Giá thép cuộn cán nóng cũng đạt mức cao kỷ lục 6.335 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 2,6% lên 15.295 CNY/tấn.
Các sàn giao dịch hàng hóa Trung Quốc ngày 10/5 đã nâng mức giới hạn giao dịch và mức ký quỹ bắt buộc đối với một số hợp đồng quặng sắt, đồng thời khôi phục mức phí đối với các hợp đồng thép kỳ hạn tương lai, sau khi giá sắt thép tăng bùng nổ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trung Quốc là nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ quặng sắt – nguyên liệu chính trong sản xuất thép - lớn nhất toàn cầu. Việc giá quặng sắt tăng đột biến gần đây xuất phát từ lo ngại về tình trạng nguồn cung.
Để đối phó với tình huống này, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cho biết sẽ nâng mức giới hạn giao dịch và yêu cầu ký quỹ đối với các hợp đồng quặng sắt kỳ hạn giao tháng 6, 9, 10 và 12, cũng như từ tháng 1 đến tháng 4/2022, bắt đầu từ ngày 11/5/2021. Ngoài thông báo này, Sàn Đại Liên không cung cấp bất cứ số liệu nào khác.
Yêu cầu ký quỹ là số vốn tối thiểu nhà giao dịch phải ký quỹ để được giao dịch hợp đồng kỳ hạn tương lai.
Thị trường chứng khoán Đại Liên trên website của mình cũng cảnh báo những người tham gia thị trường hãy kiểm soát rủi ro trong bối cảnh giá quặng sắt, than luyện cốc và than cốc biến động quá mạnh.
Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải ngày 10/5 cũng cho biết sẽ áp quy định đóng phí cho các hợp đồng thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng kỳ hạn tương lai giao dịch nhiều nhất (hiện là kỳ hạn tháng 10) ở mức 0,01% tổng giá trị giao dịch, bắt đầu từ tối 11/5.
Là mặt hàng nổi bật trong nhóm kim loại về tốc độ tăng giá, mặt hàng quặng sắt đã tăng 135% trong một năm qua, giữa bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ (khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19) và sự gia tăng hoạt động mua đầu cơ. Nhiều chuyên gia tin rằng xu hướng tăng này chưa dừng lại.
Trước đó, ngày 10/5, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai giao dịch trên sàn Singapore đạt tới 226 USD/tấn, mức cao kỷ lục đối với hợp đồng giao sau tính theo USD. Trên sàn Đại Liên, trung tâm giao dịch hàng hóa chính thức của Trung Quốc, giá hợp đồng tham chiếu cùng ngày cũng tăng 10%.
Trong khi đó, S&P Global Platts báo giá quặng sắt hàng thực ngày 10/5 đạt kỷ lục, gần 230 USD/tấn.
Giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục lịch sử vào tháng 4 vừa qua và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Nguồn cung thép tại Mỹ được dự báo vẫn thiếu do chưa có sự cải thiện đáng kể trong cán cân cung - cầu. Dự báo giá thép ở Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng.
Ở Châu Âu, xu hướng giá cũng tương tự. Giá thép cuộn cán nóng ngày 30/4 đã lần đầu tiên vượt mức 1.000 EUR (tương đương1.204 USD)/tấn. Các nhà sản xuất thép Châu Âu nâng giá chào bán hàng tuần, còn người mua thì lo ngại không mua được hàng nên ưu tiên đảm bảo nguồn cung hơn là thương lượng đẻ giảm giá. Dự báo trong thời gian tới, Châu Âu vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, có thể kéo dài tới cuối quý 3 năm nay.
Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn- được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng - đã tăng lên 865 USD/tấn hiện nay, từ mức 660 USD/tấn đầu năm 2021. "Đây là mức giá kỷ lục, vượt qua mức cao kỷ lục trước đây ở giai đoạn bùng nổ trước năm 2010," Clarksons Platou Securities viết trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình.
Sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng 19% trong tháng 3 bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế sản xuất mặt hàng này để đạt mục tiêu về môi trường.
American Metal Market dự báo giá thép Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tháng 5 này. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng giá thép Trung Quốc sắp đạt đỉnh, và đến gần cuối năm sẽ hạ nhiệt. Trong tương lai xa hơn, các nhà xuất khẩu thép cuộn cán nóng của Trung Quốc sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thép vận tải qua đường biển, do đó nguồn cung trên thị trường nội địa Trung Quốc sẽ tăng lên, trong khi các nhà sản xuất khác sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu truyền thống của Trung Quốc.

Nguồn: VITIC/Reuter