Tốc độ lạm phát ở Đức trong tháng 12 vừa qua tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng, đặt ra mối hoài nghi đối với niềm hy vọng trước đó của nhà đầu tư rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3.
Số liệu từ cơ quan thống kê Đức Destatis ngày 4/1 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng 3,8% trong tháng trước so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 2,35 ghi nhận trong tháng 11.
Theo tờ Financial Times, việc chính phủ cắt giảm các khoản trợ cấp khí đốt, điện và thực phẩm đã áp dụng trong năm ngoái là nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng tốc trở lại của lạm phát, không chỉ ở Đức mà nhiều nước châu Âu khác. Giá điện ở Đức trong tháng 12 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, đảo ngược cú giảm 4,5% của tháng 11.
Nhà kinh tế Marco Wagner của ngân hàng Đức Commerzbank cảnh báo lạm phát có thể tiếp tục mạnh lên trong tháng 1 này do các biện pháp tăng thuế và giảm trợ cấp, trước khi dần ổn định ở ngưỡng 3% trong năm nay.
Số liệu từ Pháp ngày 4/1 cho thấy lạm phát cả năm tăng lên 4,1% trong tháng 12 từ mức 3,9% trong tháng 11. Sự gia tăng của lạm phát ở nước này phản ánh giá năng lượng và dịch vụ tăng.
Trước đó, lạm phát tại khu vực sử dụng đồng tiền chung eurozone đã có 6 tháng giảm liên tiếp, về gần ngưỡng 2% mà ECB đề ra. Trong những tuần cuối của năm 2023, thị trường chứng khoán và trái phiếu châu Âu đồng loạt tăng khi nhà đầu tư tin rằng ECB sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong mùa xuân này - tương tự như kỳ vọng của giới đầu tư chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, lạm phát của eurozone trong tháng 12 được dự báo tăng lên mức 3% từ mức 2,4% trong tháng 11, chấm dứt chuỗi 6 tháng giảm. Số liệu chính thức sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu.
Ông Carsten Brzeski, trưởng kinh tế vĩ mô toàn cầu của ngân hàng Hà Lan ING nhận định việc lạm phát ở Đức tăng trở lại và khả năng áp lực giá cả tiếp tục tăng lên do những thay đổi về thuế trong tháng 1 sẽ “củng cố quan điểm của ECB rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong 5 tháng tới, nên việc giảm lãi suất sớm nhất cũng phải đến tháng 6 mới bắt đầu”.
Cách đây 1 năm, Chính phủ Đức mạnh tay trợ cấp hoá đơn khí đốt cho các hộ gia đình ở nước này, trong khi Chính phủ Pháp hỗ trợ người dân trang trải hoá đơn điện. Các biện pháp này đã giúp giảm bớt tạm thời áp lực lạm phát trong nền kinh tế. Nhưng trong tháng 1 này, Đức buộc phải dỡ bỏ nhiều chính sách trợ cấp và tăng thuế để bù đắp khoản thâm hụt 60 tỷ euro trong kế hoạch ngân sách, sau khi toà án tối cao ra phán quyết không cho phép Chính phủ tiêu đến nguồn ngân quỹ còn dôi dư của thời đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, Chính phủ Đức đã tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ ăn uống tại nhà hàng từ mức tạm thời 7% trở lại mức 19% từ đầu năm nay. Nước này cũng tăng thuế đối với phát thải carbon, giảm trợ cấp cho dầu diesel dùng trong nông nghiệp, và tăng thuế bay nội địa.
Trong 2 năm qua, ECB đã tăng mạnh lãi suất từ ngưỡng âm lên mức cao kỷ lục 4% để chống lại tốc độ lạm phát cao nhất trong 1 thế hệ ở eurozone. Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh dự báo ECB sẽ giảm lãi suất tổng cộng 1,6 điểm phần trăm trong năm nay, và khả năng 60% đợt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3.
Một số nhà kinh tế học cho rằng việc lạm phát lõi tiếp tục giảm là một dấu hiệu cho thấy quá trình giảm lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra nhanh hơn so với dự báo của ECB. Lạm phát lõi là thước đo không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là năng lượng và thực phẩm, được cho là phản ánh chuẩn xác hơn áp lực giá cả trong nền kinh tế.
“Báo cáo ngày hôm nay nói chung phản ánh xu hướng giảm lạm phát vẫn tiếp diễn, như đã diễn ra trong những tháng gần đây và giảm nhanh hơn so với dự báo của ECB”, nhà kinh tế Oliver Rakau của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics nhận định.
Trong cuộc họp tháng 12, ECB đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc cơ quan này sẽ sớm cắt giảm lãi suất. ECB dự báo lạm phát ở eurozone sẽ tăng lên mức 2,9% trong quý 1 này từ mức 2,8% trong quý 4/2022.
Bà Isabel Schnabel, một thành viên hội đồng thống đốc ECB, tháng trước nhận định lạm phát có thể tạm thời tăng trở lại và sau đó giảm dần để về ngưỡng mục tiêu 2% và năm 2025. “Chúng ta vẫn còn một chặng đường phải đi”, bà nói.
Trong một cuộc khảo sát của Financial Times vào tháng trước, khoảng 60% số nhà kinh tế học đưa ra câu trả lời nhận định lạm phát ở eurozone sẽ về mức 2% trong năm nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong cuộc khảo sát dự báo lạm phát tại khu vực này sẽ tăng tốc trở lại sau khi giảm về mục tiêu.

Nguồn: Bình Minh/VnEconomy