Tuy vậy, trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng đều giảm, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% (688 triệu USD) so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu thủy sản giảm 32,9% (494 triệu USD), chỉ đạt 1 tỷ USD; xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước giảm 9,8%, đạt 42,97 tỷ USD và chiếm 86,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, trong nhóm hàng này, xuất khẩu của nhiều mặt hàng nhóm “tỷ USD” giảm khá mạnh so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may ước đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại ước đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%...
Việc SamSung cho ra mắt dòng sản phẩm mới sớm hơn năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,42 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng nhẹ (4,3%) trong 2 tháng đầu năm 2023, ước đạt 626 triệu USD chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương, bối cảnh quốc tế đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2023.
Xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh; các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước; việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam.
Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua. Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD nhưng giảm 21% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%; ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%...
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, với chính sách mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 sau gần ba năm thực hiện chính sách “Zero Covid” đã tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong tháng 2 tháng đầu năm đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu hai tháng đầu năm 2023, nhóm hàng nguyên liệu sản xuất (nhóm hàng cần nhập khẩu) chiếm 88,4%, ước đạt 41,2 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử ước đạt 12,76 tỷ USD, giảm 8,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,53 tỷ USD, giảm 21,8%; vải các loại đạt 1,64 tỷ USD, giảm 30,3%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,39 tỷ USD, giảm 62%...
Ở chiều ngược lại, xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh về lượng (đạt 1,92 triệu tấn, tăng 43,1%) và về trị giá (đạt 1,7 tỷ USD, tăng 56,3%). Nhập khẩu dầu thô tăng gấp 2,2 lần về lượng và 2,1 lần về trị giá; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh 31,8%....
Nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát trong 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3,03 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng tới 132,9% về lượng và 62,6% về kim ngạch, với 28.124 chiếc, trị giá 421 triệu USD. Một số mặt hàng khác có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2022 như: linh kiện phụ tùng ô tô giảm 21,5%, hàng điện gia dụng và linh kiện giảm 30,8%...
Đáng chú ý, về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là nguồn cung hàng hoá lớn nhất cho Việt Nam trong tháng đầu năm 2023 với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu từ Hàn Quốc ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 19,3%; ASEAN ước đạt 29,7 tỷ USD, giảm 18,7%; Nhật Bản giảm 5,2%…