Bitcoin đã có một khởi đầu vững chắc cho năm 2021, đạt mức cao nhất từ trước tới nay là gần 65.000 USD đổi 1 bitcoin vào tháng Tư cùng năm.
Nhưng đồng tiền điện tử này đã kết thúc nửa đầu năm với mức giảm khoảng 47% so với kỷ lục của chính mình. Giới phân tích cảnh báo một số rủi ro tiềm ẩn có thể tạo ra biến động hơn nữa trong nửa cuối năm nay cho thị trường non trẻ này.
* Xu hướng thắt chặt quản lý trên toàn cầu
Một trong những rủi ro lớn nhất đối với bitcoin hiện nay là việc các chính phủ đang dần thắt chặt quy định quản lý loại tài sản này.
Những tuần gần đây, Trung Quốc đã mạnh tay kiểm soát lĩnh vực tiền điện tử của mình thông qua việc đóng cửa các mỏ “đào tiền” tiêu tốn nhiều năng lượng. Bắc Kinh cũng yêu cầu các ngân hàng và công ty thanh toán lớn như Alipay không được kinh doanh với các công ty tiền điện tử.
Hồi tuần trước, “làn sóng” kiểm soát tiền điện tử trên toàn cầu đã lan sang Vương quốc Anh. Các nhà quản lý tại đây đã cấm sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới Binance ngừng thực hiện các hoạt động kinh doanh theo luật định.
Ông Simon Yu, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của công ty khởi nghiệp hoàn tiền (cashback) bằng tiền điện tử StormX, cho hay, các động thái của Trung Quốc nên được coi là một điều “tích cực” đối với bitcoin và các loại tiền điện tử khác như ether. Lý do là vì chúng sẽ dẫn đến sự phi tập trung hóa cao hơn.
Tuy nhiên, những hoạt động quản lý tiền điện tử quá mức cồng kềnh ở Mỹ lại có thể trở thành một rủi ro. Theo ông Yu, tới nay Chính phủ Mỹ vẫn chưa xác định được tiền điện tử thuộc loại hình tài sản nào, dẫn đến các quyết định gây khó khăn cho sự vận hành của thị trường tiền điện tử.
Năm ngoái, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất một dự luật về chống rửa tiền. Dự luật này yêu cầu những người đang giữ các đồng tiền điện tử trong ví kỹ thuật số cá nhân phải xác thực danh tính nếu họ thực hiện các giao dịch có giá trị từ 3.000 USD trở lên.
Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác cũng lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng tiền điện tử cho các giao dịch bất hợp pháp.
* Sự biến động khó lường của thị trường
Một rủi ro lớn nữa đối với bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác là những biến động mạnh, dai dẳng trên thị trường.
Bitcoin đã tăng lên mức kỷ lục 64.829 USD/bitcoin hồi tháng 4/2021, vào đúng ngày ra mắt “bom tấn” của sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase. Nhưng sang tháng Sáu, nó đã giảm xuống mức thấp 28.911 USD/bitcoin và nằm dưới ngưỡng 30.000 USD/bitcoin trong một thời gian ngắn. Đồng tiền điện tử này sau đó đã tăng trở lại trên ngưỡng 34.000 USD/bitcoin.
Những người đầu cơ bitcoin coi nó như một loại “vàng kỹ thuật số” - một tài sản không liên kết với thị trường rộng lớn hơn và có thể mang lại lợi nhuận đáng kể trong thời kỳ bất ổn kinh tế. Nhưng sự biến động có những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực tới giá loại tài sản này.
Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng UBS cho biết nguồn cung hạn chế và khó điều chỉnh của tiền điện tử có thể làm trầm trọng thêm những biến động trên thị trường này.
Ngoài ra, thiếu tính ứng dụng trong thực tế và sự biến động giá bất thường cũng cho thấy nhiều người mua đang tìm kiếm lợi nhuận từ đầu cơ. Việc các nhà giao dịch đặt cược lớn vào bitcoin rồi bị đẩy ra khỏi thị trường cũng dẫn đến biến động giá dữ dội trong năm nay.
*Mối quan tâm về môi trường
Những câu hỏi xung quanh ảnh hưởng từ hoạt động “đào” bitcoin đối với môi trường có thể là một yếu tố bất lợi khác đối với đồng tiền điện tử này.
Vận hành các thiết bị khai thác bitcoin đòi hỏi nguồn điện rất lớn. Một số thống kê cho thấy mức tiêu thụ năng lượng của hoạt động “đào” bitcoin đã tăng đáng kể trong những năm qua, song song với giá của nó.
Trong khi những người chỉ trích bitcoin từ lâu đã cảnh báo về lượng khí thải carbon khổng lồ phát sinh từ đồng tiền điện tử này, CEO Elon Musk của nhà sản xuất ô tô điện Tesla đã đưa vấn đề này trở lại tâm điểm chú ý trong năm 2021.
Hồi đầu năm, Tesla đã khiến cả người hâm mộ và những người hoài nghi về bitcoin choáng váng khi mua vào lượng bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD, đồng thời bắt đầu chấp nhận nó như một phương thức thanh toán.
Nhưng sau đó, ông lại khuấy động thị trường với quyết định tạm dừng thanh toán bằng bitcoin, viện dẫn mức tiêu thụ năng lượng khủng khiếp của đồng tiền điện tử này cũng như sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Những diễn biến xoay quanh Tesla và bitcoin đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho các nhà quản lý tài sản, những người vốn đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc hạn chế các khoản đầu tư vào các tài sản cần lưu tâm về mặt đạo đức.
* Stablecoin vào “tầm ngắm”
Stablecoin là các loại tiền điện tử được “neo giá” theo tài sản trong thế giới thực, như đồng USD. Loại tài sản này cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng giám sát của các chính phủ.
Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren, cho biết tether, một đồng stablecoin thuộc nhóm các đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, là một rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.
Tether duy trì mỗi token của nó định giá 1:1 bằng đồng USD trong một kho dự trữ, nhằm giữ cho giá tether ổn định. Các nhà đầu tư thường sử dụng tether để mua tiền điện tử như một sự thay thế đồng bạc xanh. Nhưng một số nhà đầu tư lo lắng nhà phát hành của tether không có đủ dự trữ USD để đảm bảo cho việc “neo” theo giá USD.
Vào tháng Năm, công ty "chống lưng" cho tether đã công khai thông tin về kho dự trữ cho stablecoin này. Họ tiết lộ rằng khoảng 76% số tether được hỗ trợ bởi tiền mặt và các loại tài sản tương đương tiền mặt. Nhưng chưa tới 4% trong số đó là tiền mặt thực tế, còn khoảng 65% còn lại là thương phiếu (một dạng nợ ngắn hạn).
Tether đã được so sánh với các quỹ truyền thống trên thị trường tiền tệ. Song nó không phải tuân theo các quy định, trong khi lượng token đang lưu hành đạt giá trị gần 60 tỷ USD và có nhiều tiền gửi hơn nhiều ngân hàng tại Mỹ.
Từ lâu đã có những lo ngại về việc liệu tether có bị lợi dụng để thao túng giá bitcoin hay không. Một nghiên cứu từng tuyên bố rằng tether đã được sử dụng để hỗ trợ bitcoin vào những đợt giảm giá mạnh trong giai đoạn leo thang khủng khiếp của đồng tiền này hồi năm 2017.
*"Meme coins" và lừa đảo
Tính đầu cơ gia tăng trên thị trường tiền điện tử có thể trở thành một rủi ro khác đối với bitcoin.
Dogecoin, một loại tiền điện tử khởi đầu như một trò đùa (meme coin), đã tăng mạnh vào đầu năm nay và đạt mức cao kỷ lục khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư bán lẻ đổ xô vào tài sản kỹ thuật số để tìm kiếm lợi nhuận cao.
Tại một thời điểm, giá trị vốn hóa thị trường của dogecoin còn lớn hơn nhà sản xuất ô tô Ford và các công ty lớn khác của Mỹ. Điều này một phần không nhỏ là do có sự hỗ trợ từ những người nổi tiếng như tỷ phú Elon Musk.
Song giá trị của nó đã suy giảm đáng kể từ thời điểm đó.
Chuyên gia Yu của StormX cho biết một mối quan tâm lớn khác là số lượng các vụ lừa đảo liên quan tới tiền điện tử ngày một tăng trong suốt cả năm qua. Theo chuyên gia này, với một số đồng meme coin nhất định, hoạt động thổi và bán phá giá (pump & dump) diễn ra khá nhiều, khiến các nhà đầu tư bán lẻ chịu thiệt hại lớn.
Và như thường lệ, bất cứ khi nào các nhà đầu tư bán lẻ bị ảnh hưởng quá mức, chính phủ sẽ vào cuộc. Ông Yu cảnh báo nếu chính phủ thắt chặt quản lý đến một mức độ, như đã từng xảy ra hồi năm 2018 với các đợt phát hành tiền điện tử lần đầu ra công chúng (ICO), toàn bộ ngành này có thể bị ảnh hưởng rất tiêu cực.