Tiền mã hóa đang tìm cách trở lại sau cú rơi hồi tháng 5 vừa qua. Theo dữ liệu của Coin Desk hôm 30/6 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - được giao dịch quanh mức 34.961 USD/đồng, giảm gần 2% so với một ngày trước đó.
Giá Bitcoin vẫn tăng gần 19% so với mức hồi đầu năm. Tuy nhiên, tính từ đỉnh 64.800 USD/đồng (thiết lập hôm 14/4), Bitcoin đã sụt giá hơn 46%.
Trong khi đó, Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai - được giao dịch ở mức giá 2.137 USD/đồng, giảm 1,64% so với một ngày trước đó. Kể từ đầu năm đến nay, giá của đồng tiền tăng hơn 187%.
Đà tăng giá của các đồng tiền mã hóa vẫn bị cản trở bởi những rủi ro đến từ các cơ quan quản lý trên khắp thế giới. Điều đó có thể triệt tiêu động lực của những đồng tiền này.
Giá Bitcoin gặp khó trong việc lấy lại mốc 40.000 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk.
Siết chặt quy định
Hôm 26/6, Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) đã cấm Binance - một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - kinh doanh hàng loạt dịch vụ tại quốc gia này.
"Binance Markets Limited sẽ không được phép thực hiện các hoạt động có trong quy định ở Anh. Những tổ chức khác thuộc Binance Group cũng không được cấp phép thực hiện các hoạt động tại Anh", FCA nhấn mạnh.
Lệnh cấm của Anh được đưa ra sau khi các cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản lên tiếng cảnh báo về sàn Binance cuối tuần trước. Chính quyền Nhật Bản cho biết Binance có thể đang kinh doanh tại nước này mà không có giấy phép hoạt động.
Binance cũng sẽ không được phép phục vụ các khách hàng ở Ontario, Canada từ ngày 31/12.
Các động thái chống lại sàn giao dịch Binance diễn ra trong bối cảnh những giao dịch tiền mã hóa ngày càng phổ biến. Hồi đầu tháng, FCA công bố nghiên cứu chỉ ra khoảng 2,3 triệu người Anh đang sở hữu tài khoản tiền mã hóa, bất chấp những cảnh báo về rủi ro.
Các cơ quan quản lý từ Anh, Nhật Bản đến Trung Quốc đang hành động mạnh tay hơn đối với thị trường tiền mã hóa. Ảnh: Reuters.
Khoảng 50% tin rằng các khoản nắm giữ của họ là đầu tư, chỉ 38% coi đó là một canh bạc, giảm từ 47% hồi năm 2020. Tuy nhiên, những cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang đưa ra các động thái cứng rắn hơn.
Trong vài tháng qua, chính quyền Trung Quốc đã mở chiến dịch trấn áp thị trường tiền mã hóa. Họ khẳng định các tổ chức tài chính và công ty thanh toán không nên tham gia vào bất cứ giao dịch nào liên quan đến tiền mã hóa, cũng như cung cấp những dịch vụ liên quan tới tiền mã hóa cho khách hàng.
Bắc Kinh cũng trấn áp hoạt động khai thác Bitcoin. Hồi đầu tháng, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết các ngân hàng nắm giữ tài sản tiền mã hóa cần được kiểm soát bởi những quy định nghiêm ngặt hơn.
Bảo vệ nhà đầu tư
"Dù mức độ tiếp xúc của các ngân hàng đối với tài sản tiền mã hóa vẫn hạn chế, sự tăng trưởng và đổi mới liên tục của tài sản tiền mã hóa và những dịch vụ liên quan, cùng với sự quan tâm ngày càng cao của một số ngân hàng, có thể làm gia tăng mối lo ngại về ổn định tài chính toàn cầu và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng", tổ chức này nhấn mạnh.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng đang cân nhắc về việc có chấp nhận quỹ giao dịch trao đổi (ETF) Bitcoin hay không. Loại quỹ này sẽ giúp các nhà đầu tư tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Theo CNN, rủi ro về quy định từ lâu đã là mối đe dọa đối với thế giới tiền mã hóa. Các chính phủ vẫn chậm chạp trong việc đưa ra những quy định mới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giới chức trách dường như đang trở nên cảnh giác hơn nhằm bảo vệ người tiêu dùng và sự ổn định của hệ thống tài chính.

Nếu không có sự giám sát đối với các sàn giao dịch, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ lo ngại nhà đầu tư có thể bị lừa hoặc thao túng thị trường

- Ông Timothy Massad tại Kennedy School of Government thuộc Harvard University

"SEC chưa sẵn sàng phê duyệt một quỹ ETF Bitcoin trong vài năm qua. Động thái mới nhất phù hợp với điều đó", ông Timothy Massad tại Kennedy School of Government thuộc Harvard University nhận định.
Hồi tháng 5, Chủ tịch SEC Gary Gensler đã kêu gọi đưa ra thêm quy định đối với các sàn giao dịch tiền mã hóa nhằm tăng cường bảo vệ nhà đầu tư.
"Thị trường đã phát triển, nhưng nó vẫn thiếu một số tiêu chuẩn cơ bản", ông Massad nhận định. Theo ông, nếu không có sự giám sát đối với các sàn giao dịch, SEC lo ngại nhà đầu tư có thể bị lừa hoặc thao túng thị trường.
"Các quy định của cơ quan quản lý sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tiền mã hóa trong ngắn hạn, nhưng tích cực về dài hạn. Bởi giá Bitcoin có thể bớt biến động hơn sau khi giới chức trách áp đặt những quy định nhằm hạn chế các hành vi như lừa đảo và đầu cơ", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Moya (Mỹ) - khẳng định.

Nguồn: Thảo Cao/Zingnews