Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động. Qua đó, tình hình phát triển ngành Công Thương trong 4 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực.
IIP ước tính tăng 6,0%
Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%).
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, có 54 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 9 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong bốn tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: thép thanh, thép góc tăng 35,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 25,1%; phân u rê tăng 23,9%; thép cán tăng 20,2%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,7%; sữa bột tăng 11,8%; điện sản xuất tăng 11,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: khí hóa lỏng giảm 20,4%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,8%; tivi giảm 11,1%; sắt, thép thô giảm 4,5%; điện thoại di động giảm 2,8%; ô tô giảm 6,6%; xe máy giảm 4,5%; bia các loại giảm 5,3%; than sạch giảm 1,2%; thức ăn cho thủy sản giảm 0,8%.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 4 tháng đầu năm đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Trong tháng 4/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỷ USD, mặc dù giảm 5,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 72,8%.
Trong 4 tháng đầu năm 2024 có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,26 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,21 tỷ USD, giảm 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,05 tỷ USD, giảm 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tư tăng 19,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5%.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,86 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,38 tỷ USD, tăng 13,1%.
Trong bốn tháng đầu năm 2024 có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 01 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%).
Cán cân thương mại tháng 4/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 0,68 tỷ USD. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD). Trong đó, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 29,6 tỷ USD tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 209 triệu USD, giảm 41,8%. Phân theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,24 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,64 tỷ USD.
Thị trường trong nước sôi động
Thị trường hàng hóa tháng 4 sôi động hơn do có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng. Nguồn cung các hàng hóa được bảo đảm, đồng thời, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân. Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, riêng giá lợn hơi tăng nhẹ. Các mặt hàng như đường, thức ăn chăn nuôi, nhóm nhiêu liệu, năng lượng tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 ước đạt 522,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,9%; may mặc tăng 12,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,1%; du lịch lữ hành tăng 57,6%.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,8%.
Trong 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,4%; Cần Thơ tăng 7,8%; Bình Dương tăng 7,7%; Đồng Nai tăng 6,9%; Đà Nẵng tăng 6,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,4%; Hà Nội tăng 5,3%.
Tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao
Nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan trong 4 tháng đầu năm, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu của những kết quả trên là do:
- Hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm;
- Kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất trong nước;
- Sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng;
- Các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc... giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp;
- Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới;
Ngoài ra, kết quả trong 4 tháng đầu năm tăng cao phần nào còn do được so sánh với tình hình tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm mạnh của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, sản xuất công nghệp và hoạt động thương mại của nước ta cũng còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát để kịp thời xử lý như:
- Sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện (còn 09/63 địa phương có IIP giảm); một số địa phương, trong đó có địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp có IIP giảm (như Bắc Ninh giảm 5,5%); chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tại một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (Hòa Bình giảm 51,7%; Sơn La giảm 46,2%; Quảng Ninh giảm 23,7%; Lai Châu giảm 16,6%); một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (khí hóa lỏng giảm 20,4%; tivi giảm 11,1%; sắt, thép thô giảm 7,9%; linh kiện điện thoại giảm 7,2%; điện thoại di động giảm 2,8%);
- Tăng trưởng thị trường trong nước thấp hơn cùng kỳ năm trước (8,5% so với 13,3%); chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới;
- Thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc; tỷ giá biến động khá mạnh trong tháng 4 đã tác động đến kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp; giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao;
- Từ tháng 5 bước vào cao điểm nắng nóng, khô hạn trên diện rộng, dẫn đến nhu cầu điện, xăng dầu tăng đột biến (lũy kế 4 tháng sản lượng điện đã tăng tới 12,3% so với cùng kỳ (vượt kịch bản cao 8-9% được dự báo cuối năm 2023), một số khu vực tăng sản lượng đến 35-36%);
- Dự báo lạm phát còn ở mức cao do FED buộc phải lùi kế hoạch giảm lãi suất, tổng cầu phục hồi chậm so với kỳ vọng (kinh tế Mỹ trong quý I/2024 tăng trưởng chậm nhất trong gần hai năm);
- Chiến sự, điểm nóng trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường;
- Nhiều nước áp dụng các biện pháp thu hút đầu tư về nước như Mỹ, Hàn Quốc, EU làm tăng sức ép cạnh tranh vốn đầu tư trong bối cảnh thực hiện cam kết thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực cũng là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào sẽ góp phần kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.
Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Tập trung triển khai các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp những năm tiếp theo.

Nguồn: moit.gov.vn