Theo đó, cơ quan này đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3,8% đối với kịch bản cơ sở và 2,2% với kịch bản bất lợi.
GDP dự báo trên 3%, lạm phát dưới 4%
Theo các chuyên gia đến từ VEPR, trong quý II/2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương trên thế giới, đạt 0,36%, trong khi CPI bình quân giảm do giá xăng dầu trong nước giảm mạnh.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV - cho rằng, động lực chính mà kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 vượt qua bão dịch chính là lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Dẫn chứng cụ thể, ông Cấn Văn Lực chỉ ra, mặc dù 6 tháng đầu năm nông nghiệp tăng 1,19%, mức này thấp hơn so với mức 3,9% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng đóng góp gấp đôi mức tăng trưởng chung vào GDP, đóng góp 12%. Trong thời điểm dịch bệnh, thì đây là điểm sáng đáng quý, vừa đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp tốt hơn vào tăng trưởng chung. Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng đáng kể, tăng 4,96%, trong đó ngành xây dựng là điểm sáng, tăng 4,5%, đóng góp 15% mức tăng trưởng chung. “Lý do chính nhờ có đầu tư công, khiến hoạt động xây cất, xây lắp tích cực hơn. Nhiều công trình tại thời điểm dịch bệnh đã và đang diễn ra, trừ những doanh nghiệp vẫn thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng” - ông Cấn Văn Lực nêu rõ.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, các chuyên gia cho rằng, điều này phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm, bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm. Bên cạnh đó, chi phí nguyên nhiên vật liệu được duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương mại Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức trung bình…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong môi trường kinh tế thế giới bất ổn. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị…
Trên cơ sở đó, VEPR đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên so với các dự báo trước. PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR - cho biết, khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng 2,2% do những diễn biến bất lợi của bệnh dịch.
Đồng quan điểm này, ông Cấn Văn Lực cũng dự báo, khả năng tăng trưởng ở mức cơ sở 3%. Đây là khả thi nhất. Còn kịch bản tích cực nhất theo tính toán là khoảng 4%, nhưng rất khó xảy ra. Tiêu cực nhất là 1,5%.
“Riêng với vấn đề lạm phát, năm nay, không đáng lo ngại. Việt Nam kiểm soát dưới 4%. Do sức cầu yếu; giá dầu mặc dù nhích lên song vẫn giảm 20-25% giá dầu bình quân năm 2019; lạm phát tiền tệ, lạm phát cơ bản cũng đang đà giảm dần. Ngoài ra, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, giá thịt lợn ở mức tăng nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát” - ông Cấn Văn Lực cho hay, song đặc biệt nhấn mạnh, năm 2021 lạm phát sẽ là cảnh báo.
Thúc đẩy đầu tư công cần thiết nhưng không phải bằng mọi giá
Một trong giải pháp “cứu cánh” cho tăng trưởng kinh tế chính là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – cho rằng, đầu tư công chính là giải pháp mũi nhọn lúc này. Tiêu dùng và xuất khẩu “khó lòng” mang lại sự khởi sắc của nền kinh tế, mặc dù, các nhà hoạch định chính sách đang kích thích tiêu dùng, tuy nhiên điều này không tạo ra sự đột phá.
Thực tế, đầu tư công mang nhiều ưu điểm, tiền bơm ra từ chính sách tài khóa thông qua đầu tư công, nguồn tiền này là cú huých quan trọng trong tình hình hiện nay. Hàng hóa công được tạo ra, đường xá, tàu, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra bầu không khí lạc quan hơn.
Tuy nhiên, vấn đề giải ngân vấn đầu tư công 6 tháng đầu năm vẫn chậm chạp và ì ạch, chưa được như kỳ vọng. “Giải ngân vốn đầu tư công cần có đột phá, nếu nhanh thì mang động lực tốt cho nền kinh tế” - ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.
Để thúc đẩy đầu tư công, PGS.TS Phạm Thế Anh lưu ý, đây không phải là việc "vẽ" ra các dự án mới mà chỉ nên tập trung vào các dự án trọng điểm, những dự án đã có vốn sẵn. Thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát.
“Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt" - ông Phạm Thế Anh đề xuất.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, thúc đẩy đầu tư công là cần thiết nhưng không phải thúc đẩy bằng mọi giá, mà vẫn phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là hiệu quả. Đây là giải pháp mà nhiều nước cũng đang thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế, mà tiêu biểu Trung Quốc vừa qua đã thúc đẩy đầu tư công rất mạnh mẽ để đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng trong quý II.

Nguồn: Congthuong.vn