Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (6 tháng đầu năm năm 2019 và 2020) sang các châu lục. Biểu đồ: T.Bình.
4/5 châu lục “âm”
Đáng chú ý, trong 5 châu lục, duy nhất xuất khẩu sang châu Mỹ tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, hết tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu sang châu Mỹ đạt trên 37 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại châu lục này, thị trường lớn nhất là Mỹ với kim ngạch đạt 31,5 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, riêng nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm đến hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu sang châu Mỹ và 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm. Đây là điều dễ hiểu khi từ nhiều năm qua, Mỹ luôn là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hiện nay, Mỹ là thị trường số 1 đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, dày dép, đồ gỗ…
Điển hình như đối với ngành hàng dệt may, hết tháng 6, đạt 6,19 tỷ USD, dù giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chiếm xấp xỉ 47% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước.
Sự tăng trưởng khá trong bối cảnh các châu lục khác sụt giảm nên tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ (trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) tăng từ 27,2% của 6 tháng đầu năm 2019 lên mức 30,2% của cùng kỳ 2020.
Dù đang là khu vực có mức tăng trưởng khả quan nhất, nhưng so với cùng kỳ 2019, tốc độ cũng chỉ tương đương một nửa. Bởi, 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu sang châu Mỹ lên đến 24,2%, riêng thị trường Mỹ là 27,3%.
Như đề cập ở trên, 4 châu lục còn lại đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu âm so với cùng kỳ 2019.
Trong đó, thị trường châu Á dù vẫn giữ vị trí số 1 nhưng kim ngạch chỉ đạt 60,77 tỷ USD, giảm 1,3%.
Các châu lục khác lần lượt là: châu Âu đạt 20,67 tỷ USD, giảm 10,4%; châu Đại Dương đạt 2,03 tỷ USD, giảm 2,7%; châu Phi đạt 1,45 tỷ USD, giảm 4,8%.
Điện thoại, dệt may sụt giảm
Về một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy nhiều gam màu đối lập.
Điện thoại các loại và linh kiện đạt 21,95 tỷ USD, vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất nhưng giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.
6 tháng đầu năm xuất khẩu nhóm hàng này sang EU đạt 4,92 tỷ USD, tăng 22,3%; Mỹ đạt gần 4 tỷ USD, tăng 5,2%; Trung Quốc đạt 3,73 tỷ USD, tăng gấp 2,4 lần; Hàn Quốc đạt 2,51 tỷ USD, tăng 6%...
Trong khi, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 19,47 tỷ USD tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nhóm hàng trong Top đầu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc đạt 5,41 tỷ USD, tăng 36,4%; Mỹ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 1,9 lần; EU đạt 2,55 tỷ USD, tăng 5,8%...
Hàng dệt may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, Mỹ vẫn đứng vị trí số 1; tiếp theo là Nhật Bản đạt 1,64 tỷ USD, giảm 7%; EU đạt 1,6 tỷ USD, giảm 19,2%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng là nhóm hàng “chục tỷ đô” thứ 4 (đạt 10,42 tỷ USD), tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: Mỹ đạt 2,93 tỷ USD, tăng mạnh 73,5%; EU đạt trị giá 1,33 tỷ USD, tăng 29,7%; Nhật Bản đạt 809 triệu USD tăng 6%; Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 27,4%...
Ở nhóm các mặt hàng nông sản chủ lực (rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su), 6 tháng đầu năm đạt 8,1 tỷ USD, giảm 282 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 5/8 mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm mạnh nhất là hàng rau quả (giảm 278 triệu USD), trong khi gạo tăng mạnh nhất (270 triệu USD).
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của các nhóm hàng nông sản chủ lực nhưng có sự giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt 2,05 tỷ USD giảm hơn 18%.
Giày dép, phương tiện vận tải, thủy sản cũng là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có sự biện động lớn theo chiều hướng giảm.
Trong đó, giày dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%. Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng giày dép với trị giá và tốc độ tăng lần lượt là 2,93 tỷ USD (giảm 7,7%) và 2,13 tỷ USD (giảm 14%). Tính chung 2 thị trường này đạt 5,06 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,76 tỷ USD, giảm 11,4%. Nhật Bản với trị giá đạt 1,05 tỷ USD là thị trường xuất khẩu lớn nhất dù giảm 18,9%; Mỹ đạt 753 triệu USD, tăng 0,3%; Hàn Quốc đạt 219 triệu USD, tăng 19,3%…
Hàng thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, giảm 9%. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 668 triệu USD, giảm 1,6%; Mỹ đạt 654 triệu USD, tăng 0,5%; EU đạt 546 triệu USD, giảm 11,7%; Trung Quốc đạt 483 triệu USD, tăng 1%…