Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế khu vực châu Á.

Theo đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng khu vực này xuống 5,8% trong năm 2015, và 6% năm 2016, từ 6,3% dự báo trước đó. Tăng trưởng GDP năm 2014 của khu vực này là 6,2%.

Kinh tế khu vực Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo tăng trưởng 4,4% trong năm nay và có thể phục hồi lên 4,9% năm 2016. Trong số 10 nền kinh tế thành viên của ASEAN, 6 nền kinh tế bị hạ dự báo tăng trưởng, trong đó có Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Singapore và Thái Lan. Ngược lại, Việt Nam cùng với Malaysia, Myanmar và Brunei được nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2015 và 2016.

Theo đó, GDP Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm nay, và 6,6% năm sau, cao hơn so với dự báo trước đó lần lượt là 6,1% và 6,2%. Lạm phát năm 2015 dự báo ở mức 0,9%, thấp hơn nhiều so với dự báo 2,5% trước đó. Trong khi lạm phát năm 2016 được giữ nguyên ở mức 4%.

Tuy nhiên, ADB hạ dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam năm 2016 xuống còn 2,7% GDP.


ADB chỉ ra, kinh tế Thái Lan vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ đà cú giảm tốc năm 2014, trong khi đó đầu tư hạ tầng tại Indonesia và Philippines giảm. Hạn hán ở nhiều quốc gia và ngập lụt tại Myanmar ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, theo ADB: “Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn dự báo nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài và sức tiêu dùng cá nhân”.

Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất trong khi tiêu dùng cá nhân tăng mạnh nhờ lạm phát thấp, niềm tin được cải thiện. ADB dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chính sách tài khóa của Việt Nam được cho là sẽ hỗ trợ tăng trưởng mặc dù chính sách có thể bị thắt chặt do lo ngại nợ công tăng.  Theo ADB, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang tăng và có thể vượt mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Kim Phượng

Theo ADB