Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York hồi đầu tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không xây thêm các nhà máy điện than mới ở nước ngoài nhằm giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Trong bài phát biểu, ông Tập nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng những dự án năng lượng xanh cũng như ít phát sinh khí nhà kính. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ không đầu tư thêm các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài".
Chi tiết của kế hoạch trên vẫn chưa được công bố, nhưng khả năng cao là Bắc Kinh sẽ ngừng rót vốn vào các nhà máy điện than như đã từng làm thông qua Sáng kiện Vành đai và Con đường.
Sử dụng dữ liệu của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu, Statista đã lập danh sách 8 nước nhận được nhiều đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp điện than nhất. Toàn bộ số liệu được tính đến tháng 9 năm nay.
Dường như Trung Quốc đã rất tích cực rót vốn vào Indonesia, khi mà đất nước Đông Nam Á này nhận được tổng cộng hơn 15,6 tỷ USD cho các nhà máy điện than, công suất đạt khoảng 9.724 megawatt.
Xếp sau Indonesia là Bangladesh, Pakistan, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Zimbabwe. Riêng Việt Nam xếp vị trí thứ 4, thu hút tổng cộng 5,6 tỷ USD vốn từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, đầu tư vào ngành điện than của Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển. Nhà máy điện than Drax của Anh đã nhận được khoảng 36 triệu USD tài trợ từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) vào năm 2015. Ngoài ra, ICBC còn tái cấp vốn 200 triệu USD cho nhà máy điện Sandy Creek của Mỹ vào năm 2013, Statista thông tin thêm.

Điện than Việt Nam nhận 5,6 tỷ USD vốn tài trợ từ Trung Quốc, nằm trong nhóm 8 nước hàng đầu - Ảnh 1.


Nguồn: doanhnghiep.vn