Trong khi chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực để vận động hành lang cho TPP, một số chuyên gia kinh tế đã phân tích những lợi ích của hiệp định này đối với các thành viên kém phát triển hơn, đặc biệt là Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam là một nền kinh tế được xây dựng theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo. Sau khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ được lợi từ sự hủy bỏ các hàng rào thuế quan, khiến sản phẩm may mặc có thể thâm nhập tốt hơn vào thị trường Mỹ rộng lớn.
Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy những lợi ích này có thể không được như mong đợi. Nguyên nhân đầu tiên là việc giảm các rào cản thương mại có thể không hiệu quả như mong đợi. Ngoài ra, một số nước xuất khẩu đã có lợi thế sẵn từ trước khi thực hiện TPP, và những ưu thế này khó có thể bị ảnh hưởng bởi hiệp định thương mại mới. Cuối cùng, sự thay đổi gần đây trong cấu trúc thương mại khiến những lợi ích tăng trưởng của các hiệp định bị suy giảm.
Chuyên gia Kim Elliott của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) nhận định những lợi ích của TPP đối với xuất khẩu may mặc của Việt Nam sẽ bị hạn chế. Nguyên nhân là chính sách giới hạn của Mỹ trong việc sử dụng nguyên vật liệu may mặc từ các thị trường ngoài TPP, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ngành may mặc Mỹ dù không đủ sức thay đổi TPP, nhưng họ chắc chắn có thể gây ảnh hưởng đến những quy định trong hiệp định này.
Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ của TPP nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu rồi tái xuất khẩu để hưởng chênh lệch đã làm suy giảm sức hấp dẫn của hiệp định này.
Tuy nhiên, TPP vẫn là một tin tốt cho Việt Nam bởi ngành may mặc tại đây đã hoạt động có hiệu quả kể cả khi chưa có hiệp định này. Trong việc nâng cao tính cạnh tranh, tăng năng suất và phát triển cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng hơn nhiều so với yếu tố cắt giảm thuế. Việt Nam đã trở thành nguồn nhập khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 của Mỹ, chiếm 11% trong tổng số. Vì vậy, Financial Times đánh giá Việt Nam hoàn toàn bỏ xa những nước sản xuất hàng may mặc giá rẻ với nguồn nhân công dồi dào như Bangladesh.
Ngoài ra, Financial Times cũng đánh giá kinh tế Việt Nam hoạt động tốt hơn nhiều so với các thị trường khác đang có ít rào cản thương mại với Mỹ (một số nước Châu Phi cận sa mạc Sahara được hưởng ưu đãi nhập khẩu vải vào thị trường Mỹ theo chương trình ưu đãi thương mại AGOA).
Chương trình AGOA được Mỹ thực hiện nhằm giúp đỡ Châu Phi thoát khỏi đói nghèo, nhưng sự tăng trưởng của các nước không xuất khẩu dầu tại khu vực này hiện nay vẫn còn hạn chế. Những quốc gia được hưởng lợi chính từ chương trình này là các nước xuất khẩu may mặc có thu nhập bình quân (như Mauritius, Nam Phi) hay một vài nước có thu nhập trung bình thấp (như Kenya, Lesotho). Đối với những quốc gia nghèo chưa có ngành công nghiệp may mặc hoàn chỉnh, năng suất thấp và hạ tầng giao thông kém, việc giảm rào cản thuế quan không đủ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bằng chứng là ngành may mặc Việt Nam bỏ khá xa các nước Châu Phi dù phải đối mặt với rào cản thuế quan cao hơn.
Trung Quốc là một ví dụ khác cho sức ảnh hưởng từ tăng trưởng xuất khẩu. Xuất khẩu của quốc gia này đã bùng nổ trong thập niên 90 trước khi được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Ngoài nguyên nhân thị trường Mỹ cung cấp những lợi ích ngang với các thành viên WTO cho Trung Quốc, sự thật là kinh tế quốc gia này đã vượt qua nhiều nước có ưu đãi thương mại tốt hơn.
Sự bùng nổ của “công xưởng Châu Á” này trong thập niên 1990-2000 là một điều kỳ diệu, nhưng rất khó để nói rằng các hiệp định thương mại là động lực chính cho sự tăng trưởng trên. Tương tự như vậy, Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1991, nhưng Tổ chức nghiên cứu JETRO của Nhật Bản đã nghiên cứu và kết luận rằng ASEAN có vai trò rất ít trong việc thúc đẩy thương mại giữa các thành viên.
Hiệp định Công nghệ Thông tin (ITA) là một thỏa thuận đối với hàng điện tử và linh kiện dưới sự bảo trợ của WTO vào năm 1996. Sự ảnh hưởng của ITA đã tạo ra nhiều nhà máy sản xuất điện tử tại Châu Á. Tuy nhiên, hiệp định này chỉ là một thỏa thuận mở nhằm giảm rào cản thuế quan cho các thành viên WTO. Vì vậy, ITA phần nhiều đóng vai trò là một phương tiện khẳng định sự đáng tin cậy trong thương mại giữa các thành viên WTO.
Theo Financial Times, sự bùng nổ xuất nhập khẩu của các thị trường mới nổi không có liên quan nhiều đến những hiệp định thương mại chính thức, và sự tăng trưởng chậm của GDP cũng không phải hoàn toàn do các rào cản thương mại. Tờ báo này cho rằng vị thế vốn có của một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, đối với những thị trường lớn, như Mỹ, sẽ làm giảm lợi ích kinh tế của những nước Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia có tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với ưu thế về nhân lực.
Vẫn còn khá sớm để có thể nói điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách nên thận trọng với những “lợi ích tiềm năng” của hiệp định thương mại, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi. Những bằng chứng lịch sử đã cho thấy các yếu tố bên ngoài có thể làm suy giảm lợi ích của các thành viên trong hiệp định, nhất là với quốc gia xuất khẩu dựa trên ưu thế nhân lực. Hiệp định TPP có thể đem lại nhiều lợi ích, nhưng một số quốc gia dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy sản xuất có thể không tận hưởng được ưu đãi này.