Tuyên bố trên trang mạng Twitter sau khi các nhà lãnh đạo của nhóm 27 nước EU gặp nhau trong phiên họp toàn thể lúc 3h15 ngày 21/7 (giờ GMT), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo đã đạt được “thỏa thuận”.
Sau đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận này gửi một tín hiệu cụ thể rằng châu Âu là một "sức mạnh hành động".
"Đó không chỉ là vấn đề tiền bạc. Đó còn là những người lao động và các gia đình, công việc, sức khỏe và hạnh phúc của họ. Tôi nghĩ rằng thỏa thuận này sẽ được coi là một thời khắc quan trọng trong hành trình của châu Âu, nhưng nó cũng sẽ đưa chúng ta đến tương lai" – Chủ tịch Charles Michel nêu rõ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả kế hoạch này thực sự mang tính lịch sử và "có khả năng ứng phó với những thách thức về y tế, kinh tế và xã hội hiện đang ở trước chúng ta tại mỗi quốc gia".
Các đại diện tham dự hội nghị cho biết thỏa thuận, được đưa ra sau khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhất trí thỏa hiệp về gói kích thích trị giá 750 tỷ Euro, là điều cần thiết để xua tan nghi ngờ về chính tương lai của khối.
38 năm để trả nợ
Gói kích thích trị giá 750 tỷ euro của EU (tất cả số tiền được hiển thị theo giá cố định 2018, trừ khi có quy định khác) sẽ được tài trợ bởi một khoản vay do Ủy ban châu Âu thay mặt cho khối thực hiện, một thỏa thuận mới. Khoản vay này "giới hạn về quy mô và thời gian". Việc hoàn trả phải được thực hiện muộn nhất là vào năm 2058.
Những tiêu chí để có được trợ cấp của châu Âu
Trong tổng khối lượng tài chính này, 390 tỷ Euro sẽ được phân phối lại cho các quốc gia thành viên thông qua các khoản viện trợ và 360 tỷ Euro thông qua các khoản vay (do đó có thể hoàn trả).
Cốt lõi của quỹ phục hồi sẽ được dành cho các chương trình cải cách và đầu tư tài chính do các quốc gia thành viên chuẩn bị (trợ cấp 312,5 tỷ Euro).
70% các khoản trợ cấp được lên kế hoạch cho các chương trình kích thích quốc gia sẽ được phân bổ vào năm 2021 – 2022, theo tiêu chí "khả năng phục hồi" (dân số, tỷ lệ thất nghiệp trong 5 năm qua).
30% còn lại sẽ được phân bổ vào năm 2023, có tính đến việc sụt giảm GDP trong giai đoạn 2020 – 2021, hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19.
Phần còn lại của quỹ kích thích dành riêng cho các chương trình khác nhau do EU quản lý, chẳng hạn như nghiên cứu (5 tỷ Euro), phát triển nông thôn (7,5 tỷ) hoặc Quỹ chuyển đổi công bằng (10 tỷ) dành riêng cho việc hỗ trợ các khu vực chậm trễ nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Điều kiện về khí hậu
Các khoản chi của EU sẽ phải phù hợp với Thỏa thuận khí hậu Paris. Khối đã đặt mục tiêu dành 30% chi tiêu cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngân sách nhiều năm, như quỹ kích thích, sẽ phải "tuân thủ" mục tiêu trung lập khí hậu vào năm 2050 và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Tổng số, EU đã lên kế hoạch khoản ngân sách 1.074 tỷ Euro. Ngân sách này bao gồm một "khoản dự trữ" đặc biệt 5 tỷ Euro để giúp các quốc gia và các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Brexit.
Thêm vào đó, ngân sách cũng bao gồm các biện pháp linh hoạt cho chính sách gắn kết (hỗ trợ cho các khu vực kém phát triển nhất) và chính sách nông nghiệp chung (CAP), để các quốc gia có thể bổ sung vào khoản tài trợ cho hai chính sách lịch sử này của EU. Chính sách gắn kết được ưu tiên với 330,2 tỷ Euro và CAP với 336,4 tỷ Euro (258,6 tỷ cho thanh toán trực tiếp và 77,8 tỷ cho phát triển nông thôn). Cả hai đều được bổ sung bằng cách phân bổ trong gói kích thích kinh tế.
Khoản thuế mới đối với nhựa không tái chế
Để giúp hoàn trả khoản vay kích thích kinh tế, EU sẽ có được nguồn thu nhập mới. Bước đầu tiên sẽ là tạo ra một loại thuế đối với nhựa không tái chế vào đầu năm 2021.
Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm trình bày đề xuất "cơ chế carbon điều chỉnh về biên giới" (sẽ tăng giá các sản phẩm nhập khẩu được sản xuất trong một quy trình gây ô nhiễm cao), cũng như đánh thuế đối với các đại gia kỹ thuật số, để giới thiệu với họ về cơ chế này, muộn nhất vào đầu năm 2023.
Cuối cùng, Ủy ban được yêu cầu phản ánh về một cải cách mới của thị trường carbon song không đưa ra ngày cụ thể.
Kết quả đạt được vào phút chót
Không thể phủ nhận rằng Liên minh châu Âu đã chậm chạp trong việc phối hợp ứng phó ban đầu với cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến đại dịch COVID-19. Vốn đã bị suy yếu bởi sự ra đi của Vương quốc Anh, EU cần phải chỉ ra sự thống nhất về viện trợ kinh tế để chứng minh khả năng vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra quanh co, đôi lúc dường như đang trên bờ vực thất bại, khi châu Âu bị chia làm hai - giữa các quốc gia miền Bắc và miền Nam. Các nhà ngoại giao bày tỏ lo ngại việc thiếu thỏa thuận sẽ làm suy yếu thêm khối và đẩy EU gần hơn với các dòng chảy Eurosceptic, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ.
Với gần 100 giờ đàm phán, hội nghị thượng đỉnh đã gần chạm kỷ lục về thời lượng của cuộc họp được tổ chức tại Nice năm 2000, kéo dài gần 5 ngày.
Các thách thức của hội nghị tại Brussels vừa diễn ra rất lớn khi châu Âu đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, và hội nghị lần này được kỳ vọng là nơi đánh dấu sự đoàn tụ của các nhà lãnh đạo 27 nước EU kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận vừa đạt được, theo như lời Thủ tướng Đức Angela Merkel nói, “là một tín hiệu quan trọng, vượt ra khỏi biên giới châu Âu, rằng Liên minh châu Âu, ngay cả với các bối cảnh khác nhau (giữa các quốc gia thành viên), vẫn có khả năng hành động”. “Tôi hài lòng với thỏa thuận này. Tôi thấy không có sự thất vọng nào trong đó" – Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thì bày tỏ sau hội nghị.
Được các quốc gia tôn vinh như một chiến thắng đối với châu Âu, thỏa thuận phục hồi kinh tế vừa đạt được tại Brussels liệu có đủ để tái tạo một mô hình cạnh tranh cho Liên minh châu Âu hay không tuy vậy còn tùy thuộc vào nỗ lực và thiện chí của các quốc gia thành viên trong khối.

Nguồn: Khánh Linh/dangcongsan.vn