Cổ phiếu dầu khí đã có bảy tháng diễn biến tồi tệ hơn những gì giới đầu tư hình dung. Giờ đây khi giá dầu thô lại ở sát ngưỡng 45 đô la Mỹ/thùng, bộ phận nghiên cứu của các ngân hàng đầu tư và các nhà môi giới quốc tế dự báo giá của chúng có thể còn về 40 đô la Mỹ/thùng, thậm chí thấp hơn bởi nguồn cung dư thừa khắp nơi trên thế giới và Iran chuẩn bị được dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài nhiều năm.
Bộ Tài chính - nơi quản lý, điều hành thu chi ngân sách - có lẽ đang “ngấm” hơn bao giờ hết tác động của giá dầu. Những hy vọng giá dầu dao động bình quân 60 đô la Mỹ/thùng đang trở nên ngày một xa hơn, nói gì đến 100 đô la Mỹ/thùng như dự toán của ngân sách.
Đành rằng khi xây dựng dự toán ngân sách năm 2015, giá dầu quốc tế vẫn còn ở mức cao, nhưng tháng 12 năm ngoái, giá dầu đã giảm chóng mặt. Bất chấp điều đó, Bộ Tài chính vẫn không điều chỉnh nguồn thu từ dầu khí cho phù hợp với mặt bằng giá mới. Điều này đã ảnh hưởng đến các dự toán chi ngân sách và rõ ràng nó làm cho điều hành ngân sách trở nên khó khăn hơn.
Những giải pháp mà Bộ Tài chính đề xuất như vay từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, vay từ Ngân hàng Nhà nước được lý giải đều nằm trong sự cho phép của quy định pháp luật, mà cụ thể ở đây là Luật Ngân sách. Đại diện của bộ còn giải thích rõ đó là các nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước. Những giải thích này không sai, nhưng bản thân cơ quan quản lý cũng hiểu sâu xa rằng muốn có tiền cho ngân sách vay dù là ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước phải phát hành thêm tiền, mà như vậy là đụng chạm đến lạm phát, đến ổn định giá trị đồng tiền nội.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, trong lần trả lời phỏng vấn TBKTSG trước đây, khẳng định “không có chuyện Ngân hàng Nhà nước in tiền cho ngân sách chi tiêu”. Liệu khẳng định trên tới đây có được giữ nguyên khi đại diện ngành ngân hàng mới đây lên tiếng “đang xem xét đề xuất cho ngân sách vay 30.000 tỉ đồng của Bộ Tài chính”.
Quản lý ngân sách cũng giống như các bà nội trợ và không ai giỏi hơn các bà ấy. Giá cả thực phẩm, rau quả, lương thực lên xuống ở chợ, siêu thị thế nào, các bà nội trợ đều tự điều tiết được cho hợp với gói tiền mà họ có trong tay cả, để làm sao đảm bảo bữa ăn vẫn ngon miệng cho cả gia đình dù chất đạm, chất rau có thể thay đổi ít nhiều. Ngân sách cũng phải thế, liệu cơm gắp mắm.
Từ khi còn là Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có một khẩu hiệu đã trở thành quen thuộc cho ngân sách, hầu như năm nào cũng áp dụng “thu không thể lùi, chi không thể tiến”. Hiện nay, vế đầu tiên “thu không thể lùi” đang được ngành tài chính tập trung tháo gỡ quyết liệt. Bằng chứng là đốc thúc các doanh nghiệp nợ đọng thuế phải gấp rút nộp thuế, tăng cường hậu kiểm.
Vế thứ hai liên quan đến chi ngân sách chưa thấy Bộ Tài chính nói đến nhiều. Có lẽ bộ không muốn dùng đến câu “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh nền kinh tế đang đòi hỏi được tăng trưởng, và nhất là khi sự tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông. Tuy nhiên, nếu không “thắt lưng buộc bụng”, bội chi ngân sách vượt quá chỉ tiêu Quốc hội phê duyệt là chuyện phải đến và sự an toàn của nợ công có thể không dừng lại ở mức cảnh báo.
Cũng cần phải thấy rằng thu ngân sách hiện nay đang phụ thuộc không nhỏ vào nguồn thuế nhập khẩu, trong đó có thu từ nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và sản phẩm thép, phôi thép. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bảy tháng đầu năm nay nhập khẩu xe nguyên chiếc lên tới 1,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 50% giá trị nhập siêu. Thuế đánh trên nhập khẩu xe ô tô của Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới và dĩ nhiên đây là nguồn thu ngân sách đáng kể.
Kế đó thép và phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc (còn cao hơn nhập khẩu ô tô nguyên chiếc) đang khiến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước điêu đứng vì hàng nội không đủ sức cạnh tranh về giá. Ngành chăn nuôi đang đứng trước viễn cảnh không tươi sáng khi TPP được ký kết, nhưng quả trứng của người chăn nuôi cõng trên lưng bao nhiêu thứ phí thì Quốc hội đã phải nói đi nói lại nhiều lần.
Để thu chi ngân sách hợp lý, câu chuyện sẽ không thể chỉ dừng ở việc phải tuân thủ kỷ luật ngân sách, mà quan trọng hơn là một tầm nhìn về chiến lược cho ngân sách cả ngắn và trung, dài hạn dựa trên nguồn lực thực tế.
Trở lại với giá dầu quốc tế. Không chỉ dầu thô, các nguyên liệu hàng hóa trên thế giới cũng đang biến động rất mạnh, và các đồng tiền quốc tế đang “nhảy nhót”. Đồng đô la Canada lên xuống từng ngày theo giá dầu. Đồng rúp Nga phập phù theo giá dầu. Đồng tiền Việt Nam chưa chuyển đổi được, nên ít nhiều không nằm trong vòng xoáy trực tiếp đó. Nói thế để thấy những biến động tài chính quốc tế đang ngày một tác động mạnh mẽ hơn đến các quyết sách của các cơ quan quản lý trong nước. Lúc này là lúc tư duy ngân sách phải được nâng cấp, nếu không thử thách có thể biến thành rào cản khó vượt qua.
Theo Hải Lý
TBKTSG