Bộ Công Thương xác định những tháng tiếp theo sẽ tổng lực thúc đẩy XK, kiềm chế nhập siêu. Tuy nhiên, việc dự liệu kết qủa XK cả năm vẫn được nhìn nhận khá khó khăn khi dịch đang diễn biến phức tạp.
Nhập siêu 3,71 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ước tính tháng 8/2021, kim ngạch XK hàng hóa đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tháng 8/2021 Việt Nam ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD và con số này trong 8 tháng đầu năm là 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD).
Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch NK hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng NK 8 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 204,16 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 12,1 tỷ USD, tăng 24%. Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 72,5 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ý kiến nhận định, thời gian gần đây, tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch XK hàng hoá.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, trong nửa đầu năm 2021, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) đã đóng góp 45% vào trị giá XK cả nước với 79 tỷ USD. Áp dụng Chỉ thị 16 với những yêu cầu nghiêm ngặt, các DN phải đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" mới được phép duy trì sản xuất. Tuy nhiên, thực tế hơn một tháng qua cho thấy, số lượng DN có khả năng áp dụng các biện pháp kể trên rất ít, số lượng DN phải dừng hoạt động khá đông.
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM, chỉ có khoảng 600 DN của thành phố tiếp tục hoạt động nhờ áp dụng chế độ này. Đây là con số quá ít ỏi so với hàng chục nghìn DN của TPHCM. “DN ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng XK. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn, việc không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng là thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều đến DN trong thời gian tới”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải thông tin thêm, tại khu vực phía Bắc, sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh, DN của các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang đang khôi phục sản xuất tương đối mạnh mẽ, phục hồi XK. Đối với Bắc Ninh, tháng 6/2021, khi bùng phát dịch XK đã sụt giảm khoảng 19%. Tuy nhiên, tháng 7/2021, khi đã kiểm soát dịch bệnh XK đã tăng hơn 65%. Tương tự với Bắc Giang, dịch bệnh khiến XK giảm 31% nhưng sau khi dịch được khống chế XK đã tăng trưởng đến 79,8%. “Tuy nhiên, trong môi trường sản xuất tập trung, số lượng nhân công lớn, những tỉnh này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về dịch bệnh, nhất là biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh. Vì vậy, yêu cầu hàng đầu hiện nay vẫn là phải triển khai nhanh chóng việc tiêm vắc xin cho người lao động, lực lượng vận chuyển và những khâu khác trong chuỗi cung ứng hàng hóa”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nói.
Thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu
Ở góc độ DN, ngành hàng, theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), các tỉnh phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... là những địa phương tập trung nhiều DN da giày lớn, đóng góp đáng kể vào kim ngạch XK toàn ngành. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thời gian qua đã khiến đã số DN phải đóng cửa do không thể thực hiện mô hình "3 tại chỗ". Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho biết: “Các DN khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. Trong khi đó, việc NK từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn. Do đó, các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác", bà Xuân nói.
Trong khi đó, với ngành dệt may dự báo đưa ra cũng không mấy khả quan. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đánh giá với kịch bản khả quan năm nay XK mới có thể đạt khoảng 32-33 tỷ USD, trong khi mục tiêu XK ban đầu đặt ra năm 2021 là 39-39,5 tỷ USD. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Tương tự với ngành chế biến, XK gỗ, Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends cũng mới đưa ra nhận định, với kịch bản xấu nhất, kim ngạch XK trong các tháng cuối năm 2021 tiếp tục đà giảm như hiện tại do dịch không được kiểm soát hiệu quả, XK cả năm sẽ đạt khoảng 12,69 tỷ USD thay vì khoảng 15 tỷ USD như mục tiêu ban đầu.
Trong bối cảnh hiện tại khi thuận lợi và thách thức đan xen, ông Trần Thanh Hải cho rằng vẫn rất khó để đưa ra dự báo về kết quả XK cả năm 2021, bởi phụ thuộc lớn vào kết quả khống chế dịch bệnh. “Tuy nhiên, tôi tin rằng với tiềm lực, kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian vừa qua, cộng với những thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và uy tín mà DN đã thiết lập được thì sẽ nhanh chóng lấy lại đà phục hồi XK trong thời gian tới”.
Bộ Công Thương xác định những tháng tiếp theo sẽ tập trung thúc đẩy XK, kiềm chế nhập siêu; tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA, tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; đa dạng hóa thị trường XNK, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm XK…

Nguồn: haiquanonline