Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ban thể chế kinh tế), Học viên ngoại giao và Trường Đại học Tổng hợp Cologne, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm “Kinh doanh tại Việt Nam – So sánh kinh nghiệm từ các công ty đa quốc gia” chiều ngày 16/9. Sau buổi hội thảo, vị giáo sư kinh tế địa lý đã có cuộc trao đổi với Vinanet

Là người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và các nền kinh tế châu Á, Ông nhận thấy những quốc gia phát triển tại châu Á có điểm gì chung?

Sau khi thực hiện nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế nhiều nước châu Á, tôi nhận thấy rằng những quốc qua thành công nhất là những quốc gia có khối doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Tiêu biểu tại khu vực Châu Á là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Đây là những quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư rất nhiều nguồn vốn vào phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cải thiện hệ thống giáo dục đại học, đào tạo nghề. Những lợi ích đem lại không thể thấy trong ngày một, ngày hai giống như khi thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Trong một báo cáo gần đầy của World Bank, khối SMT tại khu vực châu Á lại thường thiếu vốn. Theo ông đâu là lý do?

Câu hỏi tại sao các SME lại thiếu vốn đầu tư phụ thuộc nhiều vào chính sách kinh tế vĩ mô của từng quốc gia. Tôi cho rằng những nếu dòng vốn đổ vào khối kinh tế tư nhân thì kết quả sẽ cao hơn khi ưu tiên những doanh nghiệp quốc doanh.

Hãy tưởng tượng, nếu bạn có 1 USD, và bạn đưa nó cho doanh nghiệp A, thì bạn không thể đưa cho doanh nghiệp B. Cũng như vậy, nếu chính phủ dành nhiều ưu đãi cho một bộ phận nào đó, thì một bộ phận khác sẽ thiệt thòi do nguồn lực tài chính có hạn.

Ông có thể so sánh chính sách kinh tế đối với các SME của Đức và Việt Nam có gì khác nhau?

Tôi cho rằng sự vững mạnh của kinh tế Đức nằm ở khối doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đây là khối doanh nghiệp đóng vai trò là xương sống của nền kinh tế Đức, chiếm 90% lực lượng lao động và đóng góp phần lớn nhất vào giá trị tổng sản phẩm quốc nôi (GDP).

Những SME là đầu tàu của nền kinh tế, chứ không phải những cái tên đình đám như BMW, Wolkswagen, Mercedez. Mặc dù những tập đoàn này rất nổi tiếng, nhưng xét trên khía canh lực lượng lao động, thì đóng góp của doanh nghiệp khối này không đáng kể. Họ sẵn sàng sa thải hàng ngàn người khi kinh tế khó khăn.

Tôi mong rằng các SME của Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Đức. Tôi hi vọng một ngày sự phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp khối FDI.

Xét về lực lượng lao động, nước Đức và Việt Nam có gì khác nhau không? Và điều này ảnh hưởng gì đến quá trình hội nhập quốc tế?

Nước Đức có cấu trúc dân số già. Thực tế, dân số nước Đức không tăng trong nhưng năm gần đây và có xu hướng giảm. Điều này đem đến nhiều nguy cơ và rủi ro cho kinh tế Đức trong một vài thập niên nữa. Ngược lại Việt Nam có cấu trúc dân số trẻ, hình kim tự tháp, và cơ hội để phát triển là rất lớn.

Gần đây chính phủ Đức mở cửa đón nhiều người tỵ nạn, theo tôi, đây có thể là nguồn lực để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Những cư dân nhập cư được đánh giá là có kỹ năng khá tốt, và rất trẻ. Tuy không dễ để có thể sử dụng ngay nguồn lực này, song doanh nghiệp Đức sẽ phải học hỏi để tận dụng quá trình “hội nhập ngược” này.

Đối với Việt Nam, gần đây chính phủ đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do và hội nhập kinh tế sâu hơn. Tuy nhiên, vấn đề hội nhập không chỉ đơn giản là mở cửa nền kinh tế mà còn song song với quá trình đào tạo chất lượng lao động. Điều này phụ thuộc nhiều vào hệ thống giáo dục. Bản thân tôi cho rằng, lương của các cán bộ làm công tác giáo dục nên được cải thiện hơn.

Xin cảm ơn ông!

 

Giáo sư Revilla Diez từng học kinh tế địa lý tại ĐH Hannover (Đức) nơi ông tốt nghiệp luận văn tiến sĩ của mình với đề tài “Dịch chuyển hệ thống tại Việt Nam: Tái cơ cấu công nghiệp và những hệ quả kinh tế khu vực” năm 1995.

Sau khi hoàn thành học vị Tiến sĩ, ông tập trung vào nghiên cứu sự phát triển kinh tế dựa vào tri thức tại các quốc gia châu Âu và châu Á. Gần đây, ông nghiên cứu sự phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Châu Giang (Trung Quốc) và tái cơ cấu kinh tế, phản ứng đối phó khủng hoảng vùng nông thôn Việt Nam/Thái Lan.

Những nghiên cứu của ông xuất hiện rộng rãi trên nhiều tạp chí khoa học như World Development (Phát triển thế giới), Regional Studies (Nghiên cứu khu vực), Technovation (Cải tiến công nghệ) , European Planning Studies (Nghiên cứu hoạch định Châu Âu) , International Regional Science Review (Tạp chí khoa học địa phương-thế giới).

Đức Anh