Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố gói kích thích kinh tế 1000 tỷ USD
Thủ tướng Nhật Bản phát biểu trước báo chí về gói kích thích kinh tế và lệnh áp dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia trong tối ngày 6/4 (Ảnh: REUTERS/Issei Kato)
Tối ngày 5/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ ngày 6/4 tháng tại 7 vùng, bao gồm thủ đô Tokyo, thủ phủ công nghiệp Osaka, Kanagawa, Saitama, Chiba, Hyogo và Fukuoka trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đột biến tại một số thành phố lớn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Shinzo Abe cũng công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ với tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ Yên (988 tỷ USD) tương đương 20% tổng GDP của Nhật Bản nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Quy mô gói kích thích này lớn hơn nhiều so với con số 60.000 tỷ Yên (550 tỷ USD) mà Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản do ông Shinzo Abe lãnh đạo đề xuất trong tuần trước.
Các biện pháp kích thích kinh tế sẽ bao gồm 6.000 tỷ Yên (54 tỷ USD) phát cho các hộ gia đình và chủ doanh nghiệp nhỏ bị giảm thu nhập vì dịch bệnh; 26.000 tỷ Yên (238 tỷ USD) chi cho hỗ trợ giảm thuế và các phúc lợi xã hội. Gói kích thích lần này cũng bao gồm các khoản vay với lãi suất 0% cho các định chế tài chính tư nhân. Chi tiết gói kích tích sẽ được công bố trong ngày 7/4.
Mặc dù Nhật Bản mới chỉ ghi nhận hơn 3.500 ca nhiễm và 85 trường hợp tử vong vì Covid-19, con số tương đối thấp so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm tăng nhanh vào cuối tuần qua tại Tokyo đã buộc Chính phủ Nhật Bản phải có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn dịch tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế cũng như giảm thiểu các rủi ro đến nền kinh tế vốn rất yếu ớt.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ cho phép các chính quyền địa phương mạnh tay hơn trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có quyền yêu cầu người dân hạn chế đến những nơi công cộng hoặc trưng dụng các toà nhà để xây dựng bệnh viện dã chiến, theo ông Shinzo Abe.
Tuy nhiên, theo luật pháp Nhật Bản hiện hành, ngay cả khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được áp dụng, các thành phố của nước này cũng sẽ không bị phong toả như những gì đã được Trung Quốc và Italy áp dụng tại các khu vực có số người nhiễm Covid-19 cao. Các hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản cũng sẽ không bị ngưng và người dân không bị phạt do ra ngoài đường khi tình trạng khẩn cấp được áp dụng.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Nhật Bản đang lún sâu vào một cuộc suy thoái khi xuất khẩu giảm mạnh còn việc tổ chức Thế vận hội Olympic 2020 để thu hút du lịch phải tạm hoãn sang năm sau. Trong khi đó, sức tiêu dùng của người dân Nhật Bản giảm khi buộc phải ở nhà dài để tránh dịch.
Dữ liệu mới công bố ngày 6/4 cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 3/2020 đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống còn 30,9 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đang được kiểm soát và chưa có dấu hiệu tăng. Trong tháng 2/2020, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản là 2,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm khả dụng tại nước này hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Số liệu cũng cho thấy ngày càng nhiều người Nhật đăng ký gói vay vốn cứu trợ từ Chính phủ do bị mất việc hoặc bị cắt giảm lương.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn