Các cuộc khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở các nước châu Á cho thấy, dù giá nguyên liệu thô tăng và những hạn chế trong chuỗi cung ứng vẫn tồn tại, nhưng hoạt động sản xuất ở khu vực này tiếp tục mở rộng trong tháng qua.
PMI tháng 5 do Caixin khảo sát tại Trung Quốc đại lục đạt 52 điểm, cao nhất kể từ tháng 12/2020 và nhích lên một chút so với mức 51,9 của tháng 4. Trước đó, PMI do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ghi nhận ở mức 51 điểm, thấp hơn một chút so với tháng 4. Tuy nhiên, PMI trên 50 điểm đã phản ánh hoạt động mở rộng.
Các nhà máy ở Đài Loan và Việt Nam cho đến nay vẫn cơ bản giữ được hoạt động dù dịch bùng phát. PMI của Đài Loan đứng ở mức 62 điểm trong tháng 5, chậm lại so với tháng 4 nhưng vẫn duy trì trên mốc 50. Trong khi đó, PMI của Việt Nam đạt 53,1 trong tháng 5, thấp hơn mức 54,7 của tháng 4.
Tại Nhật Bản, PMI tháng 5 điều chỉnh theo mùa do Ngân hàng Jibun khảo sát ghi nhận ở mức 53 điểm, giảm từ mức 53,6 của tháng 4. Tình trạng thiếu chip toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến sản xuất ôtô, khiến tăng trưởng sản lượng của Nhật Bản không đạt kỳ vọng thời gian qua.
Toyota và Honda đã đình chỉ sản xuất ôtô tại Malaysia do quyết định phong tỏa mới để chống dịch của nước này. Dữ liệu được công bố hôm 1/6 cho thấy quý I/2021 là quý thứ tư liên tiếp các công ty Nhật Bản cắt giảm chi tiêu cho nhà máy và thiết bị, do nền kinh tế phải vật lộn để thoát khỏi khó khăn từ đại dịch.
Chỉ số PMI của Hàn Quốc đạt 53,7 trong tháng 5, chậm lại so với tháng 4 nhưng kéo dài mức tăng trưởng sang tháng thứ tám liên tiếp. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy các công ty nước này đang phải đối mặt với gánh nặng chi phí gia tăng. Giá đầu vào đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 13 năm tại đây.
Theo các nhà phân tích, dù sản xuất ở châu Á vẫn duy trì sự mở rộng nhưng cũng có phần đáng ngại. Cụ thể, bùng phát dịch ở Đài Loan và Việt Nam có thể làm gián đoạn sản lượng bán dẫn và chuỗi cung ứng, khiến các nhà sản xuất phải đau đầu và đè nặng lên sự phục hồi dựa vào xuất khẩu của châu Á.
Trong khi, Nhật Bản và Hàn Quốc dù chứng kiến sự mở rộng hoạt động sản xuất vào tháng qua, nhưng PMI kém hơn tháng 4 đã cho thấy bản chất mong manh của phục hồi.
"Đợt lây lan của biến chủng mới đã tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng. Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc của các nhà sản xuất", Toru Nishihama, Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, đánh giá.