Tính đến ngày 15/4, cả nước đã gieo cấy được 3.073 nghìn ha lúa đông xuân, tương đương cùng kỳ năm 2016. Các địa phương phía Bắc đến nay cơ bản kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.144,1 nghìn ha, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng đạt 540,8 nghìn ha, bằng 99,2% do một số địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới hoặc trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội giảm 2.139 ha; Hải Dương giảm 1.000 ha; Thái Bình giảm 195 ha. Các địa phương phía Nam gieo cấy được 1.928,9 nghìn ha, bằng 100,2% cùng kỳ năm 2016. Hiện nay thời tiết tương đối thuận lợi, đủ nguồn nước tưới, lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt.
Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.571 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm hơn 81% diện tích xuống giống và bằng 99,1% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.418,5 nghìn ha, chiếm 92,2% diện tích gieo cấy và bằng 99,5%. Dự kiến đến hết tháng Tư, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch xong lúa đông xuân, các vùng còn lại sẽ tiếp tục thu hoạch trong tháng Năm. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước tính đạt 63,5 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng ước tính đạt 9,8 triệu tấn, giảm 220 nghìn tấn. Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân giảm nhiều so với vụ đông xuân năm 2016: Đồng Tháp giảm 104 nghìn tấn; Cần Thơ giảm 59 nghìn tấn; Kiên Giang giảm 50 nghìn tấn; Tiền Giang giảm 32 nghìn tấn.
Trên những diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch, các địa phương tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất để xuống giống vụ hè thu. Tính đến ngày 15/4, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 615,6 nghìn ha lúa hè thu, bằng 94,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 604,3 nghìn ha, bằng 96,2% chủ yếu do ảnh hưởng của tiến độ thu hoạch vụ đông xuân ở một số vùng chậm hơn cùng kỳ. Dự báo vụ hè thu năm nay còn gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài nên ngành nông nghiệp cần quản lý chặt chẽ lịch thời vụ xuống giống, đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới và theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh.
Đáng lưu ý, hiện tượng sâu bệnh diễn ra trên diện rộng tại nhiều địa phương. Tính đến trung tuần tháng Tư, cả nước có 77,8 nghìn ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, trong đó 20,3 nghìn ha bị bệnh đạo ôn lá; 14 nghìn ha bị rầy nâu; 3,4 nghìn ha bị đạo ôn cổ bông. Theo báo cáo sơ bộ, diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ là 21,9 nghìn ha, trong đó Nghệ An 9,5 nghìn ha; vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 39,3 nghìn ha, trong đó Bạc Liêu 21 nghìn ha; Đồng Tháp 8,3 nghìn ha; Long An 5,8 nghìn ha. Các địa phương cần chủ động theo dõi và nắm bắt tình hình để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống sâu bệnh hiệu quả.
Tính đến giữa tháng Tư, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 442,8 nghìn ha ngô, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước; 71,8 nghìn ha khoai lang, bằng 95,4%; 138,1 nghìn ha lạc, bằng 99,1%; 29,3 nghìn ha đậu tương, bằng 79,6%; 559,7 nghìn ha rau đậu, bằng 103,9%.
Chăn nuôi nhìn chung ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn. Đàn trâu trong tháng ước tính giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2,3% nhờ triển khai một số dự án chăn nuôi quy mô lớn và thị trường tiêu thụ ổn định; đàn gia cầm tăng 3,1%. Chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá thịt lợn hơi giảm mạnh nên người nuôi đang bị lỗ nặng. Đàn lợn cả nước trong tháng Tư giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính đến ngày 25/4/2017, cả nước không còn dịch lợn tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày còn ở Cao Bằng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế.

Nguồn: Tổng cục Thống kê