Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.245 VND/USD (tăng 20 đồng so với cuối tuần qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.400 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Tỷ giá USD hôm nay tại các ngân hàng tăng so với cuối tuần qua, Vietcombank tăng 10 đồng cả hai chiều mua bán lên mức 23.280 – 23.590 VND/USD, VPBank giảm 20 đồng giá mua nhưng giữ nguyên giá bán ở mức 23.290 – 23.590 VND/USD. Ngân hàng Á Châu tăng 230 đồng giá mua và tăng 470 đồng giá bán so với cuối tuần qua. Ngân hàng MBbank giảm 20 đồng giá mua nhưng tăng 290 đồng giá bán lên mức 23.295 – 23.815 VND/USD.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.090 – 23.320 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.280 – 23.815 VND/USD. Trong đó, Á Châu có giá mua USD cao nhất và ngân hàng Đông Á có giá bán USD thấp nhất.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 24.520 đồng/USD và bán ra 24.670 đồng/USD, giá mua tăng 190 đồng và giá bán tăng 240 đồng so với cuối tuần qua.
Tỷ giá USD ngày 18/7/2022
USD thế giới đứng ở mức cao
USD Index hiện ở mức 107,89 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,07% ở mức 1,0095. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,14% ở mức 1,1885. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,12% ở mức 138,36.
Theo Investing, đồng USD mở phiên tuần mới ở mức cao sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tuần qua khi các nhà đầu tư đánh giá rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tăng lãi suất cao trong cuộc họp vào cuối tháng này. Tuần qua, các nhà đầu tư đã chốt lời đáng kể sau một đợt phục hồi mạnh mẽ đưa đồng bạc xanh lên mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tuần trước.
Trước đó, đồng USD đã tăng vọt với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn và xa hơn so với các ngân hàng trung ương khác khi dữ liệu lạm phát tăng lên mức cao nhất trong bốn thập kỷ. Chưa kể, đà tăng còn được củng cố sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 6.
Các dữ liệu khác thì cho thấy sản lượng sản xuất sụt giảm trong tháng thứ hai liên tiếp là tháng 6 và người tiêu dùng Mỹ đã làm dịu kỳ vọng lạm phát của họ trong tháng 7. Tỷ lệ đặt cược tăng 100 điểm cơ bản cũng đã giảm sau khi hai trong số các quan chức Fed quyết liệt nhất vào hôm thứ 5 cho biết họ kỳ vọng mức tăng 75 điểm cơ bản.
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic hôm cuối tuần qua cũng cảnh báo về việc Fed hành động quá đột ngột có thể làm suy yếu việc làm đáng kể và các xu hướng vốn đang tích cực khác trong nền kinh tế. Các quỹ tương lai lãi suất hiện ghi nhận 81% cơ hội tăng 75 điểm cơ bản và 19% cơ hội tăng 100 điểm cơ bản.
Trong khi đó, đồng euro đã phục hồi lên trên ngưỡng ngang giá dù trước đó đã bị gây áp lực xuống dưới mức 1 USD. Trong tuần tới, đồng tiền chung sẽ phải đối mặt với sự kiện lớn là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2011 khi họp vào ngày 21/7.
Thị trường cũng sẽ tập trung vào việc liệu đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 quan trọng đến Đức từ Nga có mở lại hay không sau khi đóng cửa để bảo trì trong tuần này. Dự kiến nó sẽ mở cửa trở lại vào ngày 21/7, nhưng các chính phủ châu Âu lo ngại rằng Moscow có thể gia hạn để hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, làm gián đoạn kế hoạch xây dựng kho dự trữ cho mùa đông.