Nhiều khó khăn
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện chiếm tới 28% tổng kim ngạch XK hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới. Một khối lượng rất lớn hàng nông sản XK sang Trung Quốc là theo đường biên mậu, đi qua các cửa khẩu phụ ở tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai.
Những năm vừa qua, hầu như năm nào tại các địa phươg này cũng xảy ra ùn ứ nông sản XK. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc áp dụng các biện pháp mạnh, bao gồm hạn chế giao thương, phong tỏa các hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới để dập dịch, từ ngày 31/1/2020, XK nông sản của Việt Nam theo đường biên mậu qua các cửa phụ, lối mở trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã bị tê liệt. Mặc dù đến nay, với nỗ lực của Bộ Công Thương và các địa phương, một vài cửa khẩu phụ, lối mở tại tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đã nối lại giao thương, song ông Vi Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn -cho biết: Tại Cửa khẩu Tân Thanh, Trung Quốc chỉ ưu tiên cho thông quan những lô hàng mà DN Việt Nam ký hợp đồng giao nhận hàng hóa theo thông lệ quốc tế với đối tác Trung Quốc (xuất khẩu chính ngạch), còn lại các lô hàng nông sản XK theo đường biên mậu vẫn bị ách tắc.
Mỗi khi XK nông sản sang Trung Quốc gặp khó khăn, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có cửa khẩu… lại rốt ráo vào cuộc, đàm phán với phía Trung Quốc để tìm biện pháp tháo gỡ, đồng thời khuyến nghị DN hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu để tránh ùn ứ, thiệt hại…
Chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch
Ông Đỗ Trường Giang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai - cho hay: Dịch Covid-19 khiến trao đổi hàng hóa biên mậu qua Lào Cai ngưng trệ. Hiện, một số loại trái cây của Việt Nam phía Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu, các DN tại Hà Khẩu (Trung Quốc), đã chuyển sang nhập khẩu theo đường chính ngạch. Tỉnh Lào Cai cũng khuyến khích các DN XK hàng nông sản đi theo theo đường chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế. Tuy nhiên, với các quy định về kiểm dịch chặt chẽ, đồng thời phải tăng thêm khoản chi phí nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu (phía Trung Quốc), nên nhiều DN vẫn chưa XK nông sản theo đường chính ngạch, dù được ưu tiên và khuyến khích.
XK nông sản sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, có thể giảm được một số chi phí cho DN, nhưng thực tế lại rất bị động, gặp nhiều rủi ro và chịu thiệt hại mỗi khi có biến động, làm giảm cơ hội cho DN.
Ông Vi Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn - cho rằng: Dịch Covid-19 thêm một bài học quý giá cho DN, bởi khi dịch Covid-19 bùng phát, trong khi XK theo đường biên mậu bị ách tắc, thì các lô hàng XK theo đường chính ngạch vẫn được thông quan bình thường.
Ngoài ra, theo ông Vi Công Tường, Trung Quốc đang ngày càng yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, nông dân sản xuất và DN XK nông sản cần phải quan tâm chế biến sâu, bảo quản tốt để đáp ứng. Hơn nữa, khi thị trường Trung Quốc bị trục trặc, khó tiếp cận, việc chế biến sâu nông sản sẽ giúp có đủ điều kiện và tiêu chuẩn chuyển hướng XK sang thị trường khác ngoài tiêu thụ trong nước. Các DN logistics cung ứng dịch vụ cho hoạt động XK nông sản sang Trung Quốc, cần xây dựng các kho hàng lạnh và nóng, để phục vụ bảo quản hàng hóa đảm bảo chất lượng, giảm chi phí cho DN XK khi phải chờ đợi cơ hội thông quan tại cửa khẩu.
Còn theo ông Phùng Quang Hội - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, để giảm bớt các chương trình “giải cứu” nông sản mỗi khi XK sang Trung Quốc gặp khó khăn, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội ngành hàng DN, cùng các địa phương sản xuất nông sản XK cần có sự phối hợp hiệu quả, tập trung nắm bắt, dự báo chính xác tình hình, quy hoạch các vùng trồng nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là đối với thị trường Trung Quốc, qua đó điều tiết sản xuất, tiêu thụ và XK hợp lý. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị nông sản từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ và XK, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường để tránh rủi ro.

Nguồn: congthuong.vn