Cần tối 4.100 tỷ đồng cho dự trữ xăng dầu quốc gia
Từ trước đến nay, xăng dầu luôn là vấn đề “nóng”, ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tác động đến cuộc sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Sự biến động của thị trường năm 2022 cũng là lúc để chúng ta nhìn lại công tác dự trữ xăng dầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết năm 2022 xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ở một số địa phương do nước ta chưa chủ động được nguồn cung, hàng dự trữ lưu thông theo quy định có những thời điểm không đạt, có tình trạng doanh nghiệp vi phạm về bảo đảm dự trữ bắt buộc.
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Liên Bộ Công Thương – Tài chính nghiên cứu nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu, thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường xăng dầu. (Ảnh: Quốc hội)
Tại phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình về thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu, 4 lần trình Thủ tướng phê duyệt.
Trong phương án trình lần thứ 4, Bộ Công Thương đề xuất từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước, hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.
Để từng bước giải quyết khó khăn trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng Tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa.
“Việc thực hiện nhiệm vụ này đang gặp nhiều khó khăn do hiện nay Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế.
Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Giải pháp trước mắt, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ xăng dầu chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản, Bộ Công Thương đề xuất tạm thời tiếp tục áp dụng mức phí tại Quyết định số 65 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia để làm căn cứ cho Bộ Công Thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, phù hợp với thực tế, sau đó sẽ gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành để tổ chức lựa chọn đơn vị bảo quản riêng.
Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng phương thức bảo quản (để chung hoặc để riêng) và xây dựng mức phí bảo quản theo từng phương thức để so sánh, từ đó kiến nghị Chính phủ quyết định phương án bảo quản phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp.
Ngoài dự trữ quốc gia, nhiều yếu tố khác tác động đến thị trường năm 2022
Giải trình thêm về thị xăng dầu năm 2022, Bộ trưởng Công Thương nhận định 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Giá xăng dầu tăng cao và trồi, sụt thất thường với biên độ lớn, trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Mặt khác, tỷ giá đồng USD và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu.

Giải đoạn tháng 10-11/2022, người dân phải chờ hàng giờ đồng hồ để mua xăng dầu. (Ảnh: Hoàng Anh)
Trong khi đó, sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.
“Cho đến thời điểm này, khó khăn hiện nay của nhà máy Nghi Sơn vẫn là vấn đề tài chính. Để xử lý khó khăn này, các bên tham gia góp vốn tại dự án, nhà máy và những ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp”, Bộ trưởng Công Thương nói.
Tổng kết năm 2022, nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường đạt gần 25,6 triệu m3/tấn, vượt 7% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nguồn xăng dầu nhập khẩu chiếm 34% tổng nguồn cung với 8,9 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước; sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,7 triệu m3/tấn, tăng 14% so với năm 2021 và chiếm 61% tổng nguồn cung.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường năm 2023 có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,3 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Nguồn: Doanh nghiệp và kinhdoanh