Giá dầu Brent tăng 89 US cent tương đương 1,4% lên 65,23 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ ngày 20/1/2020. Dầu thô Mỹ (WTI) giao sau tăng 66 US cent tương đương 1,1% lên 61,80 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 8/1/2020.
Cả hai loại dầu tăng khoảng 1 USD/thùng vào thứ tư (17/2) và tăng hơn 6% kể từ thứ năm (11/2).
Theo các nhà phân tích của Wood Mackenzie, ước tính thời tiết lạnh giá sẽ khiến sản lượng dầu thô của Mỹ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày và có thể phải mất vài tuần trước khi được khôi phục hoàn toàn.
Hiroyuki Kikukawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Nissan Securities, cho biết: “Giá dầu đã tăng trở lại do lo ngại sự gián đoạn của các nhà sản xuất và lọc dầu ở Texas do thời tiết lạnh giá có thể kéo dài trong một thời gian”.
Ông cho biết: “với hy vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ và việc triển khai rộng rãi vắc-xin COVID-19, giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục trong xu hướng tăng”, ông nói và dự đoán rằng dầu thô Mỹ có thể test mức 65 USD/thùng.
Chiyoki Chen, nhà phân tích trưởng của Sunward Trading cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.
Dữ liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 12/2 xuống khoảng 468 triệu thùng, khác so với dự đoán của các nhà phân tích giảm 2,4 triệu thùng.
Dữ liệu tồn kho dầu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ năm (18/2).
Sự phục hồi của giá dầu trong những tháng gần đây cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, phần lớn do việc cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh trong nhóm OPEC + bao gồm Nga.
Các nguồn tin của OPEC + nói với Reuters rằng các nhà sản xuất của tập đoàn này có khả năng giảm bớt nguồn cung sau tháng 4 do giá phục hồi.