Dầu Brent giảm 1 US cent xuống 79,62 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 15US cent xuống 75,60 USD/thùng.
Tại Mỹ, báo cáo được công bố ngày 18/7 cho thấy doanh số bán lẻ tăng ít hơn dự đoán trong tháng Sáu, đã củng cố những đồn đoán rằng Fed sẽ dừng chu kỳ nâng lãi suất sau một đợt tăng 0,25 điểm phần trăm nữa tại cuộc họp tháng này. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí đi vay và có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, từ đó làm giảm nhu cầu dầu.
Về phía nguồn cung, theo dự đoán của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022 trong tháng 8.
Các nhà kinh tế vẫn lo ngại rằng lạm phát của Mỹ có thể không giảm nhanh ngay cả khi lãi suất tăng. Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy lạm phát cơ bản, loại trừ giá lương thực và năng lượng, sẽ chỉ thấp hơn một chút hoặc duy trì ở mức gần 5% hiện tại vào cuối năm nay.
Thông tin tích cực là nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết hôm thứ Ba rằng họ sẽ đưa ra các chính sách để "khôi phục và mở rộng" tiêu dùng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, do sức mua của người tiêu dùng vẫn còn yếu.
Về phía cung, Nga sẽ giảm xuất khẩu dầu 2,1 triệu tấn trong quý 3 phù hợp với kế hoạch cắt giảm xuất khẩu tự nguyện 500.000 thùng mỗi ngày vào tháng 8, theo Bộ năng lượng.
Thông tin hỗ trợ giá cũng đến từ tồn trữ dầu của Mỹ dự kiến sẽ giảm, sau khi dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất đều giảm vào tuần trước.

Nhu cầu xăng dầu dầu thế giới

Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu tăng mạnh trong tháng 5/2023, tăng 2,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi nhu cầu xăng dầu do hoạt động kinh tế tăng trường thúc đẩy tiêu thụ nguyên liệu hóa dầu; Naphtha. Việc dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 đã dẫn đến du lịch hàng không phục hồi mạnh hơn dự kiến, theo đó nhu cầu nhiên liệu máy bay tăng 0,38 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng hành khách của ngành hàng không nội tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc trong tháng 6/2023 đã giảm một nửa so với tháng trước. Cụ thể, số lượng dầu Urals của Nga được vận chuyển từ các cảng Baltic và Biển Đen đến Trung Quốc đã giảm gần 50% từ ngày 1/6 đến ngày 19/6 so với cùng kỳ tháng 5 và đạt trung bình 212.000 thùng mỗi ngày. Con số này giảm từ mức 414.000 thùng mỗi ngày trong cùng kỳ tháng trước. Các nhà phân tích cho rằng việc nhập khẩu giảm là do các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc bị thiếu hạn ngạch nhập khẩu.
Trong tháng 5/2023, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đạt mức cao kỷ lục, do các nhà máy lọc dầu tư nhân tiếp tục mua sản phẩm dầu thô ESPO và Urals đang chịu trừng phạt với giá chiết khấu. Trong tháng 5/2023, Trung Quốc nhập khẩu 9,71 triệu tấn dầu từ Nga.
Trung Quốc tiếp tục mua năng lượng từ Nga trong bối cảnh kinh tế Nga đang chịu ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 190 tỷ USD trong năm 2022.
Dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa sẽ tăng, khi ngành hàng không Trung Quốc phục hồi với các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Ngoài ra, các nhà phân tích từ ngân hàng ANZ cũng viện dẫn giá dầu thô mua từ Nga thấp hơn là một yếu tố thúc đẩy nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhu cầu dầu thô cũng được dự kiến sẽ tăng tại các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn như Zhejiang Petrochemical (ZPC) và Hengli Petrochemical. Những nhà máy này được cho là đang hoạt động ở mức hoặc cao hơn công suất chính thức để thu lợi nhuận cao hơn từ mảng lọc dầu. Tính chung ZPC và Hengli hiện chiếm 6,5% trong tổng công suất lọc dầu của Trung Quốc.
Trong quý II/2023, nhu cầu dầu mỏ tăng khoảng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động trong ngành hàng không trong nước và quốc tế sẽ tăng mạnh, thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu máy bay. Trong quý III/2023, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng ở mức 0,8 triệu thùng/ngày.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự đoán sẽ duy trì ổn định ở mức 5,2% trong suốt năm 2023. Với việc chính phủ tập trung vào phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay sau khi bỏ các biện pháp kiểm soát COVID, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng gần 0,5 triệu thùng/ngày tháng 5/2023 so với năm trước đó. Trong hơn một năm qua, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã phát triển mạnh, thúc đẩy nhu cầu xăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm. Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng, đạt 58,7 điểm trong tháng 5/2023 so với 57,2 điểm trong tháng 4/2023.
Trong quý III/2023, nhu cầu dầu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 0,3 triệu Ithùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 4/2023, giảm 0,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ 8 giảm liên tiếp. Khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Trong quý III/2023, tăng trưởng GDP trong khu vực dự báo khả quan hơn. Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý III/2023 dự báo sẽ chỉ giảm nhẹ 30 nghìn thùng/ngày so với cùng quý năm trước. Nhìn chung, áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trong báo cáo IEA đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới lên mức cao kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đồng thời cho biết, nhu cầu này sẽ được hỗ trợ bởi các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn ở các nước đang phát triển.
Các nước ngoài OPEC+ dẫn đầu tăng trưởng nguồn cung dầu, tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Công suất lọc dầu toàn cầu dự báo tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Dự báo của OPEC: Nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 102 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng nhẹ so với dự báo tháng trước, chủ yếu do nhu cầu dầu của Trung Quốc điều chỉnh tăng trong quý II/2023.
Tại khu vực OECD, nhu cầu dầu mỏ dự báo trong năm 2023 sẽ tăng 62 nghìn thùng/ngày đạt 46,01 triệu thùng/ngày. Nhu cầu của châu Mỹ dự đoán sẽ có mức tăng lớn nhất trong khu vực, dẫn đầu là Mỹ do phục hồi nhu cầu về nhiên liệu máy bay và nhu cầu xăng dầu.
Ở khu vực không thuộc OECD, tổng nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng 2,4 triệu thùng/ngày đạt 55,9 triệu thùng/ngày, vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch năm 2019 gần 3,4 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải tăng trưởng ổn định, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong hoạt động của Trung Quốc và các khu vực ngoài OECD khác.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục được cải thiện dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu. Nhu cầu dầu thế giới 2024 dự đoán sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, đạt 104,25 triệu thùng/ngày.

Nguồn: VITIC/Reuters