-OPEC cho biết nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi vào năm 2023 sau khi sụt giảm
- Theo EIA, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng trong tháng 2 lên mức kỷ lục
Dầu thô Brent tăng 52 US cent, tương đương 0,6%, ở mức 86,44 USD/thùng, sau khi tăng 1,7% trong phiên trước đó.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 55 cent, tương đương 0,7%, lên 80,73 USD/thùng, sau khi tăng 0,4% vào thứ Ba.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 3% trong năm 2022. Con số này cao hơn mức dự báo 2,8% mà các chuyên gia đã đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% đề ra.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết trong một báo cáo hàng tháng rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 510.000 thùng mỗi ngày (bpd) trong năm nay sau khi công bố mức thu hẹp đầu tiên trong nhiều năm vào năm 2022 do các biện pháp ngăn chặn COVID.
Nhưng OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2023 ở mức 2,22 triệu thùng/ngày.
Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại Fujitomi Securities Co Ltd, cho biết: “Hy vọng ngày càng tăng rằng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc sẽ tăng lên sau sự thay đổi gần đây trong chính sách COVID-19 của nước này đã hỗ trợ giá dầu”.
“Triển vọng lạc quan của OPEC về nhu cầu của Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý thị trường,” ông cho biết, dự đoán xu hướng tăng trong tuần này.
Đồng USD yếu hơn khiến dầu được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác và khuyến khích mua vào.
Về phía nguồn cung, sản lượng dầu từ các khu vực dầu đá phiến hàng đầu ở Mỹ sẽ tăng khoảng 77.300 thùng/ngày lên mức kỷ lục 9,38 triệu thùng/ngày trong tháng 2, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong một báo cáo vào thứ Ba.
Nhu cầu dầu thế giới:
Trung Quốc: Trung Quốc áp dụng chiến lược Không COVID (Zero COVID) đẩy các công ty và người lao động vào nguy cơ đóng cửa nhanh chóng, đóng băng các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tác động mạnh lên nhu cầu dầu ở Trung Quốc. Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2022, sau khi phục hồi trong tháng 9/2022, tăng 0,6 triệu thùng/ngày. Mặc dù bị ảnh hưởng Covid-19 nhu cầu dầu diesel vẫn tăng 0,7 triệu thùng/ngày chủ yếu do nhu cầu của ngành công nghiệp và lĩnh vực hóa dầu tăng.
Nhu cầu xăng giảm 0,39 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2022, từ mức giảm 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2022. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiếp tục chậm lại do hạn chế của đại dịch.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 10/2022, nhập khẩu 10,16 triệu thùng/ngày (bpd), cao nhất kể từ tháng 5 và tăng 14% so với cùng tháng năm 2021.
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhập khẩu dầu thô để bổ sung kho dự trữ hoạt động cho hai nhà máy lọc dầu mới do giá dầu thấp hơn so với các tháng trước. Nhập khẩu dầu thô cũng được tăng cường nhờ việc cấp thêm hạn ngạch cho các nhà máy lọc dầu độc lập, trong đó Zhejiang Petrochemical Corp được cấp 10 triệu tấn, tương đương khoảng 73 triệu thùng, và ChemChina nhận được khoảng 32 triệu thùng.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và thường là nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc, cũng hạ giá bán chính thức (OSP) cho các lô hàng vận chuyển trong tháng 10, điều này có thể khuyến khích các nhà máy lọc dầu mua thêm dầu.
Hạn ngạch bổ sung có thể sẽ thúc đẩy nhập khẩu trong quý IV/2022 khi các nhà máy lọc dầu tăng cường mua hàng để sử dụng đầy đủ lượng phân bổ của họ.
Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn của Trung đã tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 chỉ tăng 0,4 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Trong quý I/2023 dự đoán nhu cầu dầu sẽ giảm 55 nghìn thùng/ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trong tháng 10/2022, tăng 0,1 triệu thùng/ngày so với năm trước đó, đạt 4,7 triệu thùng/ngày. Nhu cầu xăng dầu được hỗ trợ mạnh bởi kinh tế tăng trưởng kể từ khi nới lỏng các hạn chế Covid-19.
Nhu cầu xăng dầu được thúc đẩy bởi hoạt động, sản xuất kinh doanh các ngành công nghiệp. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,1% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu đã phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha. Các lễ hội hàng năm trong quý IV/2022 sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu. Với mức tăng trưởng dự kiến 6,5% trong quý I/2023, hoạt động kinh tế và xã hội kỳ vọng sẽ duy trì ổn định, nhu cầu dầu dự báo tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm trước. Nhu cầu xăng dự đoán là sản phẩm tăng mạnh nhất trong quý I/2023, sau đó là diesel.
OECD Châu Âu: Tiêu thụ xăng dầu trong khu vực giảm 60 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó. Hoạt động hàng không vẫn duy trì đà tăng 78,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên hoạt động sản xuất trong khu vực tiếp tục suy yếu do hoạt động kinh tế chậm lại và tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng euro tiếp tục tăng và đã đạt kỷ lục mới vào tháng 9 khi lên đến 10,9%. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi khu vực đồng tiên chung được thành lập. So với tháng 8, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 đã vượt quá dự đoán của các nhà phân tích, những người đã tính toán mức tăng trưởng chỉ đạt tối đa 9,7%. Trong đó, giá năng lượng đã tăng 2,2% so với tháng trước.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2011, trước tình hình giá tiêu dùng tăng mạnh, lãi suất cơ bản đã tăng. Vào tháng 9, ngân hàng này đã tăng lãi suất 0,75% lên 1,25%, một mức chưa từng có trong lịch sử.
Dự báo GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chậm lại từ tốc độ tăng trưởng 2,0% trong quý 3/2022 xuống còn 0,5% trong quý 4/2022, do ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế chậm lại, căng thẳng địa chính trị, hoạt động sản xuất thương mại ảnh hưởng đến nhu cầu dầu của khu vực.
Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý I/2023 dự kiến sẽ không cải thiện do tăng trưởng GDP của khu vực sẽ giảm. Ngoài ra, giá năng lượng tăng, căng thẳng địa chính trị và gián đoạn nguồn cung là nguyên nhân dẫn tới nhu cầu dầu mỏ sẽ chậm lại.
Dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA): Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn tháng 12/2022, EIA dự báo lượng dầu trong các kho dự trữ của thế giới trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 200.000 thùng/ngày, trước khi tăng gần 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023.
Dự báo của OPEC: Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 2,55 triệu thùng/ngày, tương đương 2,6%, viện dẫn những thách thức kinh tế ngày càng lớn, trong đó có lạm phát và lãi suất cao.
OPEC cho rằng nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý 4/2022. Các rủi ro bao gồm lạm
phát cao, các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ nợ công cao tại nhiều khu vực, thị trường lao động ngày càng thu hẹp và những hạn chế kéo dài của chuỗi cung ứng.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 có thể tăng thêm 2,6 triệu thùng/ngày, đạt 99,6 triệu thùng/ngày. Theo OPEC, bên cạnh những rủi ro, vẫn còn nhiều nhân tố tích cực tác động đến kinh tế. Vì vậy, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023.
OPEC cho rằng triển vọng kinh tế có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn giải pháp cho vấn đề địa chính trị tại Đông Âu có thể tác động đến lạm phát, giúp giảm bớt việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Báo cáo này được đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC cùng các đối tác (OPEC+) vào ngày 4/12 tới nhằm thống nhất chính sách.