Giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 34 US cent, tương đương 0,6% lên 55,75 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ giao tháng 3 tăng 37 cent, tương đương 0,7%, lên 52,64 USD/thùng.
Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu nghiên cứu thị trường dầu của Rystad Energy cho biết: “Mặc dù đại dịch vẫn chưa chậm lại, nhưng giá dầu có lý do chính đáng để bắt đầu tuần mới với mức tăng, khi các nhà giao dịch tận dụng một loạt những tin tức tăng giá vào sáng thứ hai (25/1)”.
Các nhà lãnh đạo của Libya đã ngừng xuất khẩu dầu từ một số cảng chính, trong khi sản lượng từ mỏ Tengiz khổng lồ của Kazakhstan bị gián đoạn do mất điện vào ngày 17/1/2021.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden vừa thông tin chi tiết về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, được thiết kế để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Stephen Brennock, nhà môi giới PVM cho biết: “Tâm lý đã được thúc đẩy bởi kỳ vọng về một gói cứu trợ COVID-19, nhưng cuộc chiến giằng co giữa sự lạc quan về kích thích và những ảnh hưởng từ COVID-19 vẫn sẽ tiếp diễn”.
Trung Quốc đã báo cáo gia tăng các trường hợp COVID-19 mới, ảnh hưởng đến nhu cầu ở nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen, thuộc Rystad Energy nhận định tân Tổng thống Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình thông qua gói cứu trợ trên để hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế và điều này được đánh giá là nhân tố có lợi cho tiêu thụ dầu mỏ.
Về phía nguồn cung, theo Petro-Logistics, mức độ tuân thủ thoả thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 1/2021 đạt 85%. Số liệu này cho thấy OPEC và các đồng minh đã nghiêm túc hơn trong việc tuân thủ các cam kết hạn chế nguồn cung.
Số liệu từ công ty Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng Mỹ bổ sung thêm số giàn khoan dầu khí hoạt động trong tuần thứ chín liên tiếp tính đến tuần kết thúc ngày 22/1, song vẫn thấp hơn 52% so với cùng thời điểm năm 2020.
Giới chuyên gia phân tích của Citi cho rằng các thị trường xăng dầu gần đây đang trong một cuộc giằng co giữa dự báo triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu sụt giảm cũng như những lo ngại mới về khả năng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sụt giảm khi thế giới đứng trước khả năng có thêm nhiều lệnh phong tỏa mới để ngăn chặn các đợt lây nhiễm COVID-19 mới.
Giá dầu đã nhận được sự "tiếp sức" từ việc cắt giảm sản lượng bổ sung từ nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang theo dõi việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, mà có thể dẫn tới việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Tehran, thúc đẩy nguồn cung.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran ngày 22/1 cho biết xuất khẩu dầu của nước này đã tăng trong những tháng gần đây và doanh số bán các sản phẩm dầu mỏ của nước này cho khách hàng nước ngoài đạt mức cao kỷ lục bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.