Dầu thô Brent giao sau tăng 2,07 USD, tương đương 1,9%, lên 111,10 USD/thùng, giảm xuống 108,03 USD/thùng trước đó trong phiên.
Dầu thô Mỹ giao sau tăng 1,80 USD, tương đương 1,7%, lên 107,56 USD/thùng, sau khi giảm xuống 104,56 USD / thùng trước đó.
Cả hai loại dầug đều giảm khoảng 3% vào thứ Năm.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Libya đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng vào hôm thứ Năm tại các cảng Es Sider và Ras Lanuf cũng như mỏ dầu El Feel. NOC cho biết tình trạng bất khả kháng vẫn diễn ra tại các cảng Brega và Zueitina.
NOC cho biết sản lượng đã giảm mạnh, với xuất khẩu hàng ngày dao động trong khoảng 365.000 đến 409.000 thùng/ngày, giảm 865.000 thùng/ngày so với sản lượng bình thường trước đó.
Hôm thứ Năm, nhóm các nhà sản xuất OPEC +, bao gồm cả Nga, đã đồng ý giữ nguyên sản lượng sau hai ngày họp. Tuy nhiên OPEC+ đã chưa thảo luận về chính sách từ tháng 9 trở đi.
Trước đó, OPEC + đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ ngày vào tháng 7 và tháng 8, tăng so với kế hoạch trước đó là tăng thêm 432.000 thùng/tháng.
Giá dầu dự kiến sẽ duy trì trên 100 USD/thùng trong năm nay khi châu Âu và các khu vực khác phải vật lộn để cắt giảm nguồn cung từ Nga, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy hôm thứ Năm, mặc dù rủi ro kinh tế có thể làm chậm đà tăng.
Ấn Độ đã áp dụng thuế xuất khẩu đối với xăng dầu và nhiên liệu máy bay vào thứ Sáu để giúp duy trì nguồn cung trong nước.

Thị trường xăng dầu thế giới tháng 6/2021 biến động mạnh do có nhiều yếu tố tác động trái chiều. Theo đó, giá liên tục tăng trong nửa đầu tháng 6 bởi EU đã bước đầu thống nhất được thỏa thuận chung cho 27 thành viên để tiến hành cấm nhập khẩu dầu của Nga, điều này đã tạo ra lực mua rất mạnh trên thị trường.

Tuy nhiên, xuất hiện yếu tố trái chiều làm giá dầu giảm dần đến cuối tháng 6. Đó là chính phủ Trung Quốc áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế dịch nghiêm ngặt ngay sau khi vừa mở cửa trở lại trong đầu tháng 6 đã tác động tiêu cực lên tâm lý các nhà đầu tư. Ngày 24/6 dầu Brent đạt 113,12 USD/tấn và dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 107,62 USD/thùng, giảm 3-6%; giá xăng RON92 đạt 142,90 USD/thùng, tăng khoảng 4% so với đầu tháng 6/2022.

Trước đó giá xăng dầu tăng rất mạnh trong tháng 3/2022, giá lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2008, giá chạm đỉnh trong phiên giao dịch ngày 07/3/2022, dầu Brent chạm mức 139,13 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 143,19 USD/thùng. Giá xăng dầu đã tăng khoảng hơn 20% kể từ khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu WTI và dầu Brent tăng gần 50% và xăng RON 92 tại thị trường Singapore tăng hơn 50%.

Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong tháng 6/2022:

Giá dầu thô thế giới phục hồi mạnh do nguồn cung thắt chặt khi xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn. Việc gián đoạn sản xuất ở Libya, một thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do tình hình bất ổn.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc đưa ra ngày 18/6 cho thấy xuất khẩu xăng của Trung Quốc trong tháng 5/2022 giảm 46% so với một năm trước đó và xuất khẩu dầu diesel giảm 93%.

Những yếu tố tác động giảm giá dầu trong tháng 6/2022:

Việc tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 khiến đồng USD mạnh lên so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác. Đồng USD mạnh hơn sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó làm giảm nhu cầu.

Nhu cầu dầu đối mặt với triển vọng ảm đạm khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất của Trung Quốc buộc Chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế.

Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 5/2022 giảm 0,15 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 98,75 triệu thùng/ngày.

Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Báo cáo Thị trường dầu hàng tháng của IEA cho thấy tồn kho dầu toàn cầu tăng 77 triệu thùng trong tháng 04/2022, mức tăng lần đầu tiên sau 7 quý sụt giảm mạnh. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu tại Trung Quốc trong nửa đầu quý I/2022 và sức ép từ triển vọng kinh tế tiêu cực là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy yếu trong giai đoạn trước. Tuy vậy, sự phục hồi tiêu thụ trong nửa cuối năm khiến cho IEA giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 99,4 triệu thùng/ngày. Đến năm 2023, nhu cầu sẽ đạt 101,6 triệu thùng/ngày, vượt qua mức trước đại dịch.

Tuy vậy, sự thay đổi đáng chú ý nằm ở việc IEA không còn quá lo ngại về thâm hụt cung – cầu trong năm nay, do giá dầu tăng mạnh phần nào tạo ra rủi ro về nhu cầu bị kìm hãm và các đợt giải phóng từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược đã giúp đảo ngược đà giảm của tồn kho dầu nhóm nước OECD.

Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,9 triệu thùng/ngày, trong đó nhu cầu dầu của OECD tăng 2,6 triệu thùng/ngày và khu vực ngoài OECD tăng 3,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.

Nhu cầu dầu trong năm 2022 tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,2 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Trong quý I/2022, nhu cầu dầu thế giới ghi nhận mức tăng mạnh, chủ yếu do kinh tế hồi phục mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế do Covid-19. Các điều chỉnh nhu cầu giảm trong quý II, III và IV năm 2022 dựa trên dự báo kinh tế hiện tại có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ thế giới.

Nguồn: VITIC/Reuter