Tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu được dự báo sẽ đạt 102,2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2024, chủ yếu do tăng trưởng ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, phản ánh từ xu hướng trong hoạt động kinh tế, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn.
Dầu Brent tăng 45 US cent hay 0,6% lên 80,10 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ tăng 49 US cent, tương đương 0,6% ở mức 75,12 USD/thùng.
Vào thứ Hai, cả dầu WTI và Brent đều tăng 1% sau khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất và là người tiêu dùng lớn thứ hai thế giới, mở cửa biên giới lần đầu tiên sau ba năm vào cuối tuần qua.
Trung Quốc cũng ban hành đợt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô thứ hai trong năm 2023, nâng tổng hạn ngạch cho năm nay thêm 20% so với năm ngoái.
Nhưng các nhà phân tích cho biết nhu cầu của Trung Quốc phục hồi có thể chỉ hỗ trợ giá dầu một cách hạn chế dưới áp lực suy giảm từ nền kinh tế toàn cầu.
Các kho tồn trữ dầu thô đã tăng khoảng 14,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6 tháng 1, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ.
Ngân hàng Barclays nhận định giá dầu Brent có thể giảm 15-25 USD/thùng so với dự báo 98 USD/thùng cho năm 2023 nếu sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất toàn cầu trở nên tồi tệ hơn giai đoạn năm 2009.
Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý I/2023 dự kiến sẽ không cải thiện do tăng trưởng GDP của khu vực sẽ giảm. Ngoài ra, áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới. Theo đó nhu cầu dầu trong quý I và quý II/2023 ở OECD dự kiến sẽ tăng nhẹ 30 nghìn thùng/ngày.
Dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA): Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng, EIA dự báo lượng dầu trong các kho dự trữ của thế giới trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 200.000 thùng/ngày, trước khi tăng gần 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023.
Dự báo của OPEC: OPEC dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đạt 101,8 triệu thùng/ngày. OPEC nêu rõ: "Mức dự báo này vẫn bị chi phối bởi các yếu tố, bao gồm triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, sự thay đổi trong các chính sách ngăn chặn đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị".
Tổng Thư ký OPEC cho biết tổ chức này rất lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc - nền kinh tế có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thế giới tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong năm nay. Tại cuộc họp vào tháng 12/2022, OPEC cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, đã quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh thị trường đối mặt với triển vọng không chắc chắn liên quan các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga.
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng, EIA dự báo lượng dầu trong các kho dự trữ của thế giới trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 200.000 thùng/ngày, trước khi tăng gần 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023. Giá dầu Brent dự kiến trung bình ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo cho biết ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự kiến giá dầu có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng vào năm tới do Nga cắt giảm sản lượng và nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Theo dự báo của hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Pháp), nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm trước. Energy Aspects dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 100 USD/thùng trong năm nay.
 

Nguồn: VITIC/Reuter