Giá dầu Brent giao tháng 5 hết hạn vào ngày 31/3, đóng cửa ở mức 63,54 USD/thùng giảm 60 US cent tương đương 0,9%. Hợp đồng giao tháng 6 ở mức 62,74 USD/thùng.
Dầu thô Mỹ (WTI) đóng cửa ở mức 59,16 USD/thùng, giảm 1,39 USD/thùng tương đương giảm 2,3%.
Giá dầu Brent đã giảm 3,9% trong tháng 3 sau khi tăng 18% trong tháng 2/2021 nhưng tăng 22,6% trong quý I/2021. Dầu thô Mỹ (WTI) giảm 3,8% trong tháng 3 và tăng 21,9% trong quý I/2021. Đầu tháng 3/2021, giá dầu Brent tăng vượt lên trên ngưỡng 71 USD/thùng, dầu WTI cũng tiến gần sát ngưỡng 70 USD.
Giá tăng trong I/2021 chủ yếu do nhu cầu phục hồi lạc quan sau khi vắc xin COVID-19 bắt đầu được tung ra thị trường vào năm mới. Tuy nhiên, những hy vọng đó đã bị dập tắt trong tháng này trong bối cảnh các trường hợp bùng phát trở lại ở các nước châu Âu đã dẫn đến nhu cầu về nhiên liệu giảm.
Giá dầu thứ tư kéo dài mức giảm sau khi Tổng thống Emmanuel Macron ra lệnh cho Pháp đóng cửa quốc gia lần thứ ba và cho biết các trường học sẽ đóng cửa trong ba tuần để hạn chế làn sóng thứ ba nhiễm COVID-19.
Việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của OPEC + trong năm nay thêm 300.000 thùng/ngày (bpd) cũng ảnh hưởng đến giá cả. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, cùng được gọi là OPEC +, sẽ nhóm họp vào thứ năm (1/4) để quyết định về chính sách sản lượng.
OPEC + hiện đang hạn chế sản lượng chỉ hơn 7 triệu thùng/ngày trong nỗ lực hỗ trợ giá và giảm dư cung. Saudi Arabia đã bổ sung vào các khoản cắt giảm đó với thêm 1 triệu thùng/ngày.
Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm bất ngờ trong tuần trước khi hoạt động của nhà máy lọc dầu tăng lên, giảm 876.000 thùng trong tuần trước. Ngoài ra, sản lượng dầu thô của Mỹ, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đã giảm xuống 11,1 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2021 thấp hơn 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi tàu chở hàng siêu trường siêu trọng Ever Given được giải thoát khỏi tình trạng mắc kẹt kéo dài gần 1 tuần ở Suez, giao thông trên con kênh đào đã được nối lại. Nhà chức trách ước tính sẽ mất khoảng 3 ngày rưỡi kể từ khi con tàu này được giải thoát mới có thể giải tỏa hết số 422 con tàu ùn ứ ở hai đầu kênh.
"Mức tăng mà giá dầu tích lũy trong thời gian kênh đào Suez bị tắc, đúng như dự báo, không giữ được lâu. Giờ đây, mức tăng đó đã bị xóa hết do giao thông trên con kênh trở lại bình thường", nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy cho biết.
Giá dầu tăng trong quý I/2021 trên thị trường quốc chủ yếu nhờ việc OPEC+ kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sang tháng 4/2021, Saudi Arabia tiếp tục tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2021, các nước trên thế giới tích cực triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 và Mỹ thông qua gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD, hứa hẹn sẽ giúp kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung hồi phục mạnh mẽ, kéo nhu cầu dầu mỏ tăng theo.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của nước này tháng 3/2021 đã tăng lên 51,9 điểm, từ mức 50,6 điểm của tháng 2 khi các nhà máy tăng cường sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mức cao nhất trong vòng 3 tháng và là tháng thứ 13 liên tiếp duy trì trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy sự tăng trưởng bền vững. Oxford Economics dự báo kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy tham vọng của Trung Quốc có thể giúp kinh tế nước này tăng trưởng tới 9,3% trong năm 2021.
OPEC+ hôm nay (1/4) sẽ tiến hành cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ ba trong năm nay theo hình thức trực tuyến để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng trước biến động mới của giá dầu. Margaret Yang, chiến lược gia của Singapore-based DailyFX, nhận định: "Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ở châu Âu giảm do làn sóng Covid-19 thứ ba, OPEC và các đồng minh có khả năng sẽ kéo dài mức cắt giảm sản lượng hiện tại sang tháng 5, đến khi triển vọng tăng trưởng có dấu hiệu cải thiện".
Ngân hàng JPMorgan Chase tin rằng OPEC+ sẽ giữ mức sản lượng hiện nay đến hết tháng 5 và Saudi Arabia sẽ tiếp tục việc tự nguyện giảm sản lượng cho tới cuối tháng 6. "Sau đó, chúng tôi cho rằng OPEC+ sẽ giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 8".
Đó cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia khác. Song Nga và Kazakhstan có thể sẽ tiếp tục tăng sản lượng, mặc dù tổng sản lượng của nhóm có thể vẫn ở mức hợp lý.
Reuters dẫn tin từ một số nguồn cho biết lần này Nga ủng hộ giữ ổn định sản lượng khai thác dầu trong tháng 5 của OPEC+, song Nga muốn nâng nhẹ sản lượng dầu của mình để đáp ứng nhu cầu trong nước gia tăng do yếu tố mùa vụ. Theo dữ liệu do Reuters thu thập được, trong 4 tuần đầu tiên của tháng 3, Nga khai thác 10,22 triệu thùng dầu và khí ngưng tụ mỗi ngày, từ mức 10,1 triệu thùng/ngày trong tháng 2.
Tuy nhiên, nếu dự đoán đó là đúng thì cũng cho thấy lo ngại về ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu là có thực, và nhiều nước sẽ đưa ra những biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục nhu cầu dầu mỏ. Việc Châu Âu chậm trễ trong lộ trình triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 đã khiến dịch bệnh bùng phát trở lại ở khu vực này. Ngoài ra, ở Ấn Độ và Brazil, số ca nhiễm Covid-19 mới cũng đang gia tăng, làm mờ đi triển vọng ngày càng lạc quan về tăng trưởng kinh tế ở Mỹ.
Giá dầu gần đây đã giảm khi mà tình hình đại dịch Covid-19 trở nên xấu đi tại nhiều khu vực trên thế giới. Các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng tại Mỹ và châu Âu đang khiến cho giao thông chững lại, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm năng lượng giảm bớt. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng cản trở đà đi lên của giá dầu. Tại Mỹ, số liệu của IHS Markit cho thấy doanh số bán xăng hiện vẫn thấp hơn 16% so với ngưỡng trước đại dịch Covid-19, dù vậy quá trình phục hồi của Mỹ hiện vẫn giúp nhiều người có hy vọng.
Giám đốc tại quỹ Tradition Energy, ông Gary Cunningham, phân tích: “Nhìn chung hiện đang có nhiều rủi ro liên quan đến triển vọng nhu cầu dầu và tốc độ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên OPEC+ nhiều khả năng sẽ duy trì việc giảm sản lượng lâu hơn so với kỳ vọng bởi chúng ta không thấy nhu cầu phục hồi mạnh”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong báo cáo mới nhất công bố tháng này đã dự báo nhu cầu toàn cầu có thể mất hai năm mới quay trở lại mức trước khủng hoảng Covid-19.

Rystad Energy cho rằng đợt phong tỏa mới và những chậm trễ trong việc tiêm chủng ngừa Covid-19 có thể khiến sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bớt đi tới 1 triệu thùng/ngày.

Một thách thức đối với việc hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu là việc Iran, một thành viên của OPEC, vẫn bán dầu cho Trung Quốc, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hiệp quốc liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran. Nguồn thạo tin nói rằng Trung Quốc có thể nhận tới 1 triệu thùng dầu/ngày từ Iran trong tháng này, với "vỏ bọc" dầu nhập khẩu từ các thị trường khác.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường chuyển hướng sự chú ý từ kênh đào Suez sang cuộc họp sắp tới của OPEC+.

 

Nguồn: VITIC/Reuters