Mặc dù giá của nhiều mặt hàng đã giảm trong mùa hè này do giá dầu thô giảm gần 40% so với mức đỉnh chạm tới vào tháng 6/2022, song giá lithium trong vòng 18 tháng qua đã tăng vọt hơn 500% trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và nhu cầu đối với xe điện (EV) tăng mạnh. Mặc dù xu hướng tăng giá của lithium có vẻ chậm lại, nhưng vẫn còn một số lý do để dự báo giá sẽ tiếp tục leo thang, trong đó gồm việc không có mỏ khai thác lớn nào dự kiến đưa vào hoạt động trong vài năm tới và sự phát triển bùng nổ của EV.

Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty khai thác lithium tiếp tục vượt trội so với các hàng hóa khác nói chung, với cổ phiếu của SQM tăng 89,7%; Livent Corp tăng 23,3% và Albemarle Corp tăng 16,1% trong năm nay

 

 

 

 

Các nhà sản xuất EV và pin đảm bảo nguồn cung Lithium

 

Nguồn cung bị thắt chặt chính là một trong những lý do lớn nhất khiến giá lithium tăng vọt trong năm qua. Goldman Sachs đã lập luận rằng nguồn cung lithium mới “đáng kể” nhất sẽ đến từ Trung Quốc, nơi các công ty đã đầu tư vào các dự án khai thác đá và nước muối mới. Tuy nhiên, Benchmark Mineral Intelligence đã phản bác lại quan điểm này bằng cách chỉ ra rằng đá Spodumene nội địa Trung Quốc và các nguồn đá khác có chất lượng thấp, đó là lý do chính khiến các nhà tiêu thụ ở Trung Quốc ngày càng chọn nguồn cung cấp thay thế từ Úc.

Và giờ đây, các nhà sản xuất pin EV và li-ion đang hướng đến việc đảm bảo nguồn cung cấp lithium trong tương lai. LG Energy Solution (LGES) đã ký hai Biên bản ghi nhớ với các công ty khai thác mỏ ở Canada nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lithium. LGES đã đạt được thỏa thuận với Electra Battery Materials Corp, Snow Lake Resources và Avalon Advanced Materials Inc tại một buổi lễ được tổ chức ở Toronto, trong nỗ lực thiết lập chuỗi cung ứng pin ở Bắc Mỹ. LGES là một trong những nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới, cung cấp cho Tesla Inc và General Motors.

Trong khi đó, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc NIO Inc đã nắm giữ 12% cổ phần của công ty lithium Greenwing. Hai công ty đã ký kết một thỏa thuận tài trợ chiến lược, với việc NIO đồng ý trả 12 triệu đô la Úc (khoảng 7,8 triệu USD) để đăng ký mua khoảng 21,82 triệu cổ phiếu Greenwing. NIO sẽ nắm giữ khoảng 12,16% cổ phần Greenwing sau khi hoàn tất giao dịch và có quyền được đề cử vào hội đồng quản trị của công ty miễn là duy trì được ít nhất 10% cổ phần.

Theo phó tổng biên tập Reuben Adams của Stockhead, thế giới có hơn 300 mỏ khai thác mới để đáp ứng nhu cầu pin tăng 500% vào năm 2035. Điều này có nghĩa là khoảng 74 mỏ lithium mới với quy mô trung bình 45.000 tấn cần được xây dựng trong vòng một thập kỷ tới.

Và có hàng loạt nhà máy sản xuất pin sắp ra đời sẽ tiêu thụ lượng lithium đó. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, 13 Gigafactory mới dự kiến sẽ xuất hiện trực tuyến tại Hoa Kỳ vào năm 2025.

Các công ty dầu khí trực thuộc nhà nước Argentina khai thác lithium

Lần đầu tiên, các công ty dầu khí trực thuộc nhà nước Argentina sẽ bắt đầu khai thác lithium. Trong một tuyên bố chung được công bố gần đây, các đơn vị lithium gồm YPF, YPF Litio và Y-TEC sẽ bắt đầu dự án tìm kiếm lithium trên diện tích 20.000 ha ở Fiambala thuộc tỉnh phía tây Catamarca, cùng với sự hợp tác của công ty khai thác mỏ địa phương Catamarca Minera y Energetica. Dự án này nhằm xác định nồng độ liti cao nhất trong các bãi muối Fiambala.

Argentina là nước sản xuất lithium lớn thứ tư thế giới với khoảng 20 dự án lithium khác đang được phát triển. Tuy nhiên, hầu như tất cả hoạt động sản xuất đều do các thợ mỏ nước ngoài hoặc tư nhân thực hiện mà không có sự tham gia của chính phủ.

Roberto Salvarezza, chủ tịch hội đồng quản trị của cả hai đơn vị YPF, nói với Reuters : “Giờ đây, lần đầu tiên chúng tôi có khả năng trở thành một công ty quốc gia khai thác tài nguyên.”

Argentina hiện sản xuất khoảng 8% lượng lithium toàn cầu, thấp hơn nhiều so với mức 22% của Chile trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, Argentina có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất lithium vì đây là nơi có trữ lượng lithium lớn thứ hai thế giới với 19,3 triệu tấn, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

Tăng trưởng thị trường xe điện bùng nổ

Cuộc cách mạng EV toàn cầu đã trở thành một xu hướng không thể ngăn cản và là nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu lithium tăng mạnh.

Theo dự đoán của Bloomberg, doanh số bán xe điện sẽ đạt 21 triệu chiếc vào năm 2025, tăng gần 220% so với mức năm 2021. Dự báo năng lượng sạch cho biết: “Các nhà sản xuất xe điện dự tính về một thị trường nguyên liệu pin rất khan hiếm trong những năm tới. Chuỗi cung ứng pin sẽ cần đầu tư đáng kể trong thời gian ngắn hạn để tránh tình trạng khan hiếm.”

Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và lạm phát toàn cầu khiến giá pin có xu hướng tăng cao nhưng điều này được cho là chỉ xảy ra tạm thời, cùng lúc đó giá khí đốt tăng theo chu kỳ tiếp tục đóng vai trò là động lực để chuyển sang dùng điện 

"Một số yếu tố đang thúc đẩy chi phí nguyên liệu tăng cao - xung đột, lạm phát, va chạm thương mại - cũng đang đẩy giá xăng và dầu diesel lên mức cao kỷ lục, từ đó người tiêu dùng quan tâm đến xe điện hơn", các nhà phân tích của BNEF cho biết.

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo oilprice)