Những năm gần đây, nhu cầu LNG liên tục tăng khi các khách hàng (nhất là Trung Quốc và Ấn Độ) đã chuyển sang nguồn nguyên liệu sạch hơn. Nhu cầu LNG của thế giới tăng khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2017 – 2019. Kể từ năm 2015, thương mại LNG trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục chưa từng có. Tuy vậy, giá vẫn tương đối thấp cho đến cuối năm 2019.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than đá Australia đã khiến giá tăng lên do khách hàng Trung Quốc buộc phải tìm kiếm những nhà cung cấp khác.
Hồi tháng 5/2020, khi các thị trường buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, giá LNG giao ngay tại Châu Á đã tăng hơn 1.000% kể từ khi chạm mức thấp kỷ lục hồi tháng 5/2020, là dưới 2 USD/mmBtu (đơn vị nhiệt lượng Anh).
Phiên 12/01/2021, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã đạt mức cao nhất 6 tuần, trong khi chi phí vận chuyển LNG từ Mỹ đến Châu Á đạt mức cao nhất mọi thời đại, một phần do tắc nghẽn ở kênh đào Panama, nơi tàu bè từ Vịnh Mỹ đến Thái Bình Dương phải đi qua.
Tại thị trường châu Âu, Giá LNG giao dịch tại trung tâm TTF (tham chiếu cho thị trường Châu Âu) đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua do khách hàng Châu Á mua mạnh và lượng mua đầu cơ ngay tại TTF cũng tăng lên. Theo đó, giá LNG tại TTF hôm 12/1 đạt 28,55 EUR/megawatt giờ, tương đương khoảng 7,8 USD/mmBtu, cao nhất kể từ quý 4/2018.
Theo ông Toby Dunipace, nhà môi giới tàu thủy của hãng SSY, sự tắc nghẽn trong đường dây vận chuyển này có tác động ngay lập tức đến nhu cầu khí đốt. Nguồn dự trữ của các nhà nhập khẩu còn rất ít, do đó nhu cầu đang rất cao. Sự tắc nghẽn ở Kênh đào Panama đã dẫn đến thời gian các tàu chở LNG khi qua đây phải chờ đợi 7-10 ngày, thậm chí còn lâu hơn nữa.
Ngày 12/1/2021, cước phí thuê tàu chở dầu trung bình ngày trên tuyến Vịnh Mỹ đến Nhật Bản đã tăng lên 253.270 USD, cao nhất kể từ khi Baltic Exchange bắt đầu công bố dữ liệu này (năm 2019). Cước tàu chở LNG từ Vịnh Mỹ đến Châu Âu trong tuần đầu tháng 1/2021 cũng tăng lên mức kỷ lục cao là 320.000 USD/ngày nhưng đã giảm nhẹ trong tuần trước ở mức 310.691 USD/ngày.
Dữ liệu của Eikon chỉ ra rằng, nguồn cung LNG từ Qatar, Nga và Mỹ cũng đang gia tăng. Bên cạnh đó, Shell cũng đã nối lại việc chở khí đốt từ cơ sở nổi Prelude ở Australia, sau giai đoạn gần 1 năm cơ sở này ngừng hoạt động.
Khi thời tiết ấm lên và nguồn cung trở lại bình thường thì thị trường sẽ bớt căng thẳng, các chuyên gia nhận định. Tuy nhiên, những rắc rối về nguồn cung sẽ còn khiến thị trường LNG dễ bị tổn thương cho đến hết quý I/2021, theo Goldman Sachs.

Nguồn: VITIC/Reuters