Trong một báo cáo hàng tháng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,08 triệu thùng/ngày, ít hơn 60.000 thùng/ngày so với nhận định trước đó và chỉ ra thị trường này sẽ dư thừa.
Triển vọng suy yếu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và Brexit có thể thúc ép OPEC và các đồng minh duy trì hay điều chỉnh chính sách cắt giảm sản lượng của họ. Iraq cho biết các Bộ trưởng sẽ thảo luận trong ngày hôm nay (12/9/2019) xem liệu có cần cắt giảm sản lượng sâu hơn không.
Trong báo cáo này, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020 xuống 3,1% từ 3,2% và cho biết tăng trưởng mạnh trong nguồn cung từ các nhà sản xuất đối thủ như Mỹ sẽ vượt sự gia tăng nhu cầu dầu năm tới.
Báo cáo này cho biết “điều này nhấn mạnh trách nhiệm chung của các quốc gia sản xuất để hỗ trợ thị trường dầu ổn định, tránh biến động không mong muốn và tiềm ẩn sự mất cân bằng trong thị trường”.
OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác kể từ ngày 1/1/2019 đã thực hiện một thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Liên minh này được gọi là OPEC+, hồi tháng 7/2019 đã kéo dài hiệp ước cho tới tháng 3/2020 và ủy ban xem xét lại hiệp ước này họp trong ngày 12/9/2019.
Bất chấp việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu đã giảm từ mức đỉnh trên 75 USD/thùng hồi tháng 4/2019, bị áp lực bởi những lo lắng thương mại và kinh tế suy giảm.
Báo cáo này cho biết dự trữ dầu tại các nền kinh tế công nghiệp hóa giảm trong tháng 7/2019, một sự tiến triển có thể giảm lo ngại của OPEC về khả năng dư thừa.
Mặc dù vậy tồn kho trong tháng 7/2019 vượt mức trung bình trong 5 năm là 36 triệu thùng.
Nguồn cung đang tăng
OPEC và các đối tác đang hạn chế sản lượng kể từ năm 2017, giúp xóa bỏ lượng dầu dư thừa (trong năm 2014 - 2016 khi các nhà sản xuất bơm theo ý muốn) và phục hồi giá. Chính sách này đã thúc đẩy dầu đá phiến của Mỹ và nguồn cung từ các đối thủ khác, báo cáo này đã chỉ ra thế giới cần ít dầu thô của OPEC hơn trong năm tới.
Nhu cầu đối với dầu thô OPEC sẽ đạt trung bình 29,4 triệu thùng/ngày trong năm 2020, giảm 1,2 triệu thùng/ngày so với năm nay.
OPEC cho biết sản lượng dầu của họ trong tháng 8/2019 tăng 136.000 thùng/ngày lên 29,74 triệu thùng/ngày. Đây là lần đầu tiên sản lượng của tổ chức này tăng trong năm nay. Saudi Arabia, Iraq và Nigeria tăng sản lượng.
Nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Saudi Arabia nói rằng vương quốc này nâng sản lượng chỉ hơn 200.000 thùng/ngày trong tháng 8/2019 lên 9,789 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia tiếp tục hút dầu ít hơn hạn ngạch 10,311 triệu thùng/ngày.
Một phần nhờ sự hạn chế của Saudi Arabia, các nhà sản xuất vẫn đang quá tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Sự sụt giảm tại Iran và Venezuela, 2 thành viên của OPEC đang đối mặt với sự cấm vận của Mỹ đã nới rộng sự sụt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, sự gia tăng trong tháng 8/2019 đưa sản lượng của OEPC cao hơn dự báo nhu cầu năm 2020.
Báo cáo này cho thấy sản lượng năm 2020 sẽ dư thừa 340.000 thùng/ngày nếu OPEC bơm theo mức tháng 8/2019 và các yếu tố khác vẫn cân bằng, nhiều hơn dự báo dư thừa trong báo cáo của tháng trước.
Nguồn: VITIC/Reuters