Riyadh, lãnh đạo của OPEC, cho biết họ đã cắt giảm mạnh xuất khẩu cho các khách hàng chính của mình trong tháng 3 và tháng 4/2019 mặc dù các nhà máy lọc dầu yêu cầu thêm dầu. Động thái này bất chấp yêu cầu OPEC hỗ trợ giảm giá của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi ông tăng cường trừng phạt với các nhà sản xuất dầu Iran và Venezuela.
Một nguồn tin thân cận với Saudi Arabia cho biết việc cắt giảm xuất khẩu được thiết kế để hỗ trợ giá. Các quan chức của Saudi Arabia cho biết chính sách sản lượng của vương quốc này chỉ đơn thuần cân bằng thị trường thế giới và giảm tồn kho ở mức cao.
Một nguồn tin trong ngành cho biết “người Saudi muốn dầu ít nhất ở mức 70 USD/thùng và không bị lo lắng về quá nhiều dầu đá phiến”. Một nguồn tin khác cho biết Saudi Arabia muốn đặt giá sàn cho dầu ở mức 70 USD/thùng hay thấp hơn chút ít và nói thêm “không một ai tại OPEC có thể nói về tăng sản lượng hiện nay”.
Saudi Arabia (dự định nâng chi tiêu của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế) đã không có một mục tiêu chính thức về giá. Họ nói mức giá được xác định bởi thị trường và rằng nó chỉ có mục tiêu đơn thuần cân bằng cung cầu thị trường toàn cầu.
Ngay cả giá khoảng 70 USD/thùng sẽ không cân bằng ngân sách của Saudi Arabia trong năm nay, theo số liệu được trích dẫn của Jihad Azour, giám đốc bộ phân Trung Đông và Trung Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Để cân bằng ông cho biết Riyadh cần giá dầu từ 80 tới 85 USD/thùng.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới chắc chắn cũng muốn tránh nhắc lại tình trạng giá dầu sụt giảm dưới 30 USD/thùng trong giai đoạn 2014 - 2016.
Mất thị phần
Saudi Arabia dự định giảm sản lượng trong tháng 3 và tháng 4/2019 xuống dưới 10 triệu thùng/ngày - thấp hơn 10,3 triệu thùng/ngày mục tiêu sản lượng chính thức của OPEC.
Một quan chức Saudi Arabia trả lời phỏng vấn của Reuters trong tháng này rằng mặc dù nhu cầu mạnh từ các khách hàng, công ty dầu nhà nước Saudi Aramco đã cắt giảm phân bổ của họ 635.000 thùng/ngày so với yêu cầu trong tháng 4/2019.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih cho biết thay đổi như vậy không phải bất thường vì năm ngoái vương quốc này đã nâng sản lượng và xuất khẩu trên mục tiêu để tránh tình trạng thiếu hụt.
Saudi Arabia cũng đang ủng hộ việc gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC đến hết năm 2019.
Nga (quốc gia không phải thành viên OPEC) nhưng đang cắt giảm sản lượng cùng với OPEC, có thể cân bằng ngân sách với giá dầu 55 USD/thùng và chưa rõ liệu họ có chuẩn bị gia hạn khi OPEC tiến hành cuộc họp trong tháng 6/2019 hay không.
Gary Ross, CEO của Black Gold Investors và là một người theo dõi OPEC cho biết “với ngân sách cần trên 85 USD/thùng, người Saudi Arabia rất cần giá trên 70 USD/thùng”. “Họ cũng cần thuyết phục Nga rằng chiến lược cắt giảm sản lượng có ý nghĩa mặc dù mất thị phần cho Mỹ”.
Mỹ và Nga sản xuất tương ứng 12 triệu và 11 triệu thùng/ngày. Không như Nga, Mỹ sẽ bơm theo ý muốn thông qua lĩnh vực năng lượng thương mại, dẫn đầu là dầu đá phiến. Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế dự báo sản lượng của Mỹ sẽ tăng tiếp 4 triệu thùng trong 5 năm tới.
Sự gia tăng này có thể vượt tăng trưởng nhu cầu toàn cầu và khiến Washington có thị phần lớn nhất trên toàn cầu, thành nhà xuất khẩu lớn hơn Saudi Arabia.
Áp lực từ Trump
Riyadh từ lâu đã là đồng minh của Mỹ và hai quốc gia này đã hợp tác về chính sách dầu mỏ chặt chẽ hơn kể từ khi Trump trở thành Tổng thống.
Trump đã hỗ trợ Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman bất chấp sự phản đối toàn cầu về việc giết nhà báo Jamal Khashoggi, một nhà chỉ trích chính phủ Saudi và đã nói rằng ông hy vọng OPEC giúp giảm giá dầu toàn cầu.
Năm ngoái, Saudi Arabia đã nâng sản lượng dưới áp lực mạnh mẽ từ Washington. Nhưng sau đó Mỹ đã bất ngờ cấp miễn trừ cho các khách hàng dầu mỏ của Iran và giá dầu sau đó giảm xuống 50 USD/thùng.
OPEC và các đồng minh dẫn đầu là Nga đã hủy bỏ kế hoạch nhóm họp trong tháng 4/2019 và sẽ quyết định có gia hạn cắt giảm sản lượng trong tháng 6/2019, khi thị trường đánh giá tác động các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Iran.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chính sách của Saudi sẽ không thay đổi nếu Washington gây áp lực lên Riyadh để tăng nguồn cung.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet