Sri Lanka ngày 27/6 thông báo tạm ngừng bán mọi loại nhiên liệu trong 2 tuần tới, bắt đầu từ ngày 27/6, trừ nhiên liệu phục vụ các dịch vụ thiết yếu, đồng thời kêu gọi đóng cửa một phần các dịch vụ xã hội, giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy của nước này trở nên trầm trọng hơn.
Quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948, và nước này đã không thể chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu kể từ cuối năm 2021.
Người phát ngôn của Chính phủ Sri Lanka, Bandula Gunawardana, cho biết, lệnh cấm bán nhiên liệu là nhằm tiết kiệm xăng dầu cho các hoạt động khẩn cấp. Ông kêu gọi khu vực tư nhân cho phép người lao động làm việc từ xa vì phương tiện giao thông công cộng sẽ phải ngừng hoạt động.
Thông báo của Chính phủ nêu rõ: "Từ đêm 27/6, nhiên liệu sẽ không được bán ra, trừ nhiên liệu phục vụ các dịch vụ thiết yếu như y tế, vì chúng tôi muốn bảo quản lượng dự trữ rất nhỏ hiện có".
Ông Gunawardana cũng gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng vì tình trạng khan hiếm nhiên liệu này.
Lệnh cấm bán nhiên liệu được đưa ra trong bối cảnh nước này cạn kiệt xăng và dầu diesel. Ngoài ra, Công ty điện lực độc quyền của nhà nước CEB đề nghị tăng giá điện bán cho đối tượng khách hàng nghèo nhất.
Ủy ban Dịch vụ công của Sri Lanka (PUCSL) cho biết công ty CEB đã thua lỗ 65 tỷ rupee (185 triệu USD) trong quý I/2022 và muốn tăng giá gần 10 lần cho đối tượng khách hàng sử dụng ít điện và được trợ giá nhiều.
Hiện những khách hàng dùng dưới 30 KW điện/tháng chỉ phải trả giá chung là 54,27 rupee (0,15 USD). CEB muốn tăng mức này lên 507,65 rupee (1,44 USD).
Chủ tịch PUCSL Janaka Ratnayake cho biết: "Đa số người tiêu dùng trong nước sẽ không thể chịu được kiểu tăng giá này. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ trực tiếp để công ty có thể tăng nửa mức giá yêu cầu".
Nhằm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng ngoại tệ, CEB cũng cho phép người tiêu dùng có thu nhập ngoại tệ (như các nhà xuất khẩu) được thanh toán bằng đồng USD. Động thái trên nhằm giúp công ty điện lực thu USD để chi trả tiền nhập khí đốt và tiết kiệm một phần. Tuy nhiên, giải pháp này cũng khó thực thi vì cuộc khủng hoảng ngoại tệ trầm trọng ở nước này.
Tuần trước, tất cả trường học công lập đã phải đóng cửa và các cơ quan nhà nước vận hành với lượng nhân viên tối thiểu nhằm giảm lưu thông và tiết kiệm xăng dầu. Việc đóng cửa các cơ quan nhà nước lẽ ra sẽ kết thúc trong tuần này, song giờ đã được gia hạn tới ngày 10/7, thời điểm mà ông Gunawardana cam kết sẽ khôi phục nguồn cung nhiên liệu.
Đầu tháng này, Liên hợp quốc (LHQ) đã khởi động các biện pháp ứng phó khẩn cấp với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy ở quốc gia Nam Á này, cung cấp thực phẩm cho hàng nghìn phụ nữ đang mang thai phải đối mặt với tình trạng thiếu đồ ăn. LHQ cảnh báo "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ" sắp xảy đến với hàng triệu người dân nơi đây.
Sri Lanka cùng đang nỗ lực đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có một khoản vay giải quyết khủng hoảng./.

Nguồn: bnews.vn