Trong cả tuần, giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 4,4%, trong khi giá dầu Brent tăng 3,6%.
Giá dầu tăng mạnh trong cả tuần khi các nhà giao dịch lạc quan rằng đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng, dù đà tăng bị hạn chế do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ tăng lãi suất lên mức cao hơn dự báo để kiểm soát lạm phát.
Số liệu tích cực về kinh tế đã tiếp tục gây lo ngại Fed sẽ hành động quyết liệt hơn dự báo trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát, đe dọa đẩy nền kinh tế vào suy thoái sâu.
Giá dầu thế giới tăng 1 USD/thùng vào thứ Sáu (3/3) và kết thúc tuần ở mức cao hơn, nhờ sự lạc quan mới về nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc.
Vào thứ sáu (3/3), giá dầu thô Brent tăng 1,08 USD, tương đương 1,3%, lên 85,83 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ (WTI) ổn định ở mức 79,68 USD/thùng, tăng 1,52 USD, tương đương 1,9%. Cả hai điểm chuẩn đều có mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 13 tháng 2.
Dầu Brent và WTI ghi nhận mức tăng theo phần trăm hàng tuần lớn thứ ba trong năm nay, khi số liệu kinh tế của Trung Quốc mạnh mẽ mang lại hy vọng tăng trưởng nhu cầu dầu.
Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 2/2023 đã tăng với tốc độ nhanh trong 6 tháng và hoạt động sản xuất tại đây cũng tăng trưởng. Nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục trong 3/2023.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang có nhiều tham vọng hơn với mục tiêu tăng trưởng năm 2023, nhắm tới mức 6%.
Đồng USD giảm và các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự đoán đồng bạc xanh sẽ chịu áp lực trong 12 tháng tới, điều này sẽ khiến dầu được định giá bằng USD rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trước đó, giá dầu thế giới tăng vào phiên chiều thứ năm (2/3), kéo dài mức tăng từ hai phiên trước đó do các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi sự gia tăng hàng tồn kho dầu thô của Mỹ và lo ngại về tổng nhu cầu toàn cầu. Dầu thô Brent tăng 12 US cent, tương đương 0,1%, lên 84,43 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 9 cent, tương đương 0,1%, ở mức 77,78 USD. Cả hai loại dầu đều tăng khoảng 1% trong phiên trước đó sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 2 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, tồn trữ dầu thô tăng tuần thứ 10 liên tiếp tại Mỹ đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng báo cáo rằng tồn trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24 tháng 2 lên 480,2 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2021.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô kỷ lục của Mỹ đã hạn chế đà tăng, với các lô hàng tăng lên 5,6 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào tuần trước, theo EIA.
Serena Huang, người đứng đầu bộ phận phân tích APAC tại công ty phân tích Vortexa, cho biết mức tăng của dầu cũng bị hạn chế bởi sự không chắc chắn về triển vọng nhu cầu toàn cầu, khiến giá giao động nhẹ.
Kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất đang tăng lên sau khi lạm phát ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tăng cao hơn dự kiến trong tháng 2, với giá lương thực và năng lượng tăng bất chấp các biện pháp cứu trợ.
Trước đó Pháp và Tây Ban Nha, cũng là những nền kinh tế chủ chốt ở châu Âu, công bố lạm phát tăng bất ngờ.
Trong khi đó, dầu thô do các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục trong tháng 1/2023, dữ liệu chính phủ tạm thời hôm thứ Tư cho thấy, khi nước này tăng cường nhập khẩu dầu của Nga. Sản lượng lọc dầu tại quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới đạt 5,39 triệu thùng/ngày trong tháng 1, mức cao nhất kể từ khi Reuters ghi nhận từ năm 2009.
Giá dầu thế giới tăng vào phiên chiều thứ Tư (1/3), sau khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới tăng mạnh, thúc đẩy triển vọng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu. Dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 46 cent, 0,6%, lên 83,91 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) giao tháng 4 tăng 42 cent, tương đương 0,6%, lên 77,47 USD/thùng. Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhu cầu phục hồi mạnh mẽ tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết: "Chỉ số PMI của Trung Quốc tăng mang lại niềm tin về sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, hỗ trợ cho triển vọng nhu cầu dầu mỏ lạc quan hơn".
Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên sau 7 tháng vào tháng 2, theo chỉ số quản lý mua hàng (PMI).
Dữ liệu PMI chính thức của chính phủ cũng được công bố vào thứ Tư cho thấy sự tăng nhanh nhất trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 2/2023 kể từ năm 2012. Tuy nhiên, tín hiệu nhu cầu mạnh mẽ đã bị kìm bởi các dấu hiệu tồn trữ dầu thô đang gia tăng tại Mỹ, nhà sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Tồn trữ dầu của Mỹ tăng 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/2, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm thứ Ba. Tuy nhiên, tồn trữ xăng giảm 1,8 triệu thùng và nhiên liệu chưng cất, bao gồm dầu diesel và nhiên liệu máy bay, giảm 340.000 thùng, theo dữ liệu của API. Vào tháng Hai, OPEC đã bơm 28,97 triệu thùng mỗi ngày (bpd), một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng Giêng.
Dự báo giá dầu vượt trên 90 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023
Kết quả thăm dò 49 nhà kinh tế và phân tích dự báo rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 89,23 USD/thùng trong năm nay, giảm so với mức 90,49 USD/thùng tháng 1, nhưng vẫn cao hơn mức hiện nay.
Theo một cuộc thăm dò của hãng Reuters công bố ngày 28/2, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt do Nga cắt giảm nguồn cung và Trung Quốc tăng lượng tiêu thụ, do vậy, giá dầu dự báo sẽ lên tới 90 USD/thùng vào nửa cuối năm nay.
Kết quả thăm dò 49 nhà kinh tế và phân tích dự báo rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 89,23 USD/thùng trong năm nay, giảm so với mức 90,49 USD/thùng trong tháng 1, nhưng vẫn cao hơn mức hiện nay đang vào khoảng 83 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) dự báo ở mức trung bình 83,94 USD/thùng, thấp hơn so với mức dự báo 85,40 USD/thùng đưa ra hồi tháng 1.
Theo một số nhà phân tích, giá dầu Brent đang trong xu hướng tăng trên 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay sau khi ở mức trung bình khoảng 85 USD/thùng trong quý 1 và 88,6 USD/thùng trong quý 2 do nhu cầu giảm từ các khu vực tiêu thụ nhiều dầu mỏ như châu Âu, Mỹ.
Bắt đầu từ tháng 3, Nga sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày và tiếp tục giảm tới 25% hoạt động xuất khẩu dầu từ các cảng miền Tây nước này. Nga sẽ tìm cách chuyển hướng các lô hàng dầu thô cũng như các sản phẩm tinh chế sang các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Trung Quốc chiếm gần một nửa mức tăng 2 triệu thùng/ngày trong nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới, có thể vượt cung sau nửa đầu năm nay và khiến các nhà sản xuất xem xét lại chính sách sản lượng của mình.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng 9%
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng khoảng 9% vào thứ Sáu (3/3), lên mức cao nhất trong 5 tuần, do lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong hai tuần qua do dự báo về thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm cao hơn.
Giá LNG giao tháng 4 tăng 24,4 cent, tương đương 8,8%, lên mức 3,009 USD/mmBTU, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 27 tháng 1.
Trong tuần, hợp đồng kỳ hạn tăng khoảng 23%, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 8 năm 2020. Tuần trước, hợp đồng này đã tăng khoảng 8%.
Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 98,4 bcfd cho đến nay trong tháng 3 từ 98,2 bcfd trong tháng 2. Kỷ lục hàng tháng là 99,9 bcfd vào tháng 11 năm 2022.
Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 120,9 bcfd trong tuần này xuống 119,1 bcfd vào tuần tới, sau đó tăng lên 127,4 bcfd trong hai tuần.