Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 có nhiều dấu hiệu tích cực, nhất là tại các nền kinh tế lớn; nhiều nước tiếp tục đưa ra các gói kích cầu; việc tiếp tục áp dụng rộng rãi các biện pháp tiêm vaccxin phòng dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cùng với việc sản lượng khai thác dầu thô và nhiên liệu lỏng giảm đã ảnh hưởng lớn đến diễn biến giá xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành này. Giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng giảm đan xem nhưng xu hướng chung là tăng (giá xăng dầu thành phẩm bình quân 15 ngày vừa qua tăng từ 1,91-4,93%). Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/01/2021 cụ thể như sau: 55,852 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,49 USD/thùng, tương đương tăng 4,67% so với kỳ trước); 57,024 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,68 USD/thùng, tương đương tăng 4,93% so với kỳ trước); 56,376 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 1,06 USD/thùng, tương đương tăng 1,91% so với kỳ trước); 55,877 USD/thùng dầu hỏa 0.05S (tăng 1,34 USD/thùng, tương đương tăng 2,07% so với kỳ trước); 312,468 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 6,71 USD/tấn, tương đương tăng 2,19% so với kỳ trước).
Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới 26/12/2020 - 11/01/2021

(Chi tiết tại bảng thống kê giá thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày gần đây).
Tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát khá tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tích cực được phục hồi, chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong các kỳ điều hành gần đây, nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức khá cao. Kỳ điều hành lần này, mặc dù thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu giảm nhẹ từ đầu năm 2021 theo cam kết quốc tế nhưng nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 181-1.529 đồng/lít. Để bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh đúng xu hướng biến động của giá xăng dầu thế giới, hạn chế tăng giá các mặt hàng xăng dầu, góp phần bình ổn giá hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92 và các loại dầu (chỉ trích Quỹ BOG xăng RON95 là 100 đồng/lít); tiếp tục chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu ở mức từ 181 đồng -1.100 đồng/lít/kg. Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Quốc hội và Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định:
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
- Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu, cụ thể: không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, ngoại trừ mặt hàng xăng RON95 trích lập ở mức 100 đồng/lít.
- Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: mức chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu ở mức: E5RON92 ở mức 1.100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa chi ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 181 đồng/kg.
Giá bán xăng dầu
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: tăng 430 đồng/lít, không cao hơn 15.948 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 1.100 đồng/lít thì sẽ tăng 1.530 đồng/lít và giá bán là 17.048 đồng/lít);
- Xăng RON95-III: tăng 451 đồng/lít, không cao hơn 16.930 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 200 đồng/lít thì sẽ tăng 651 đồng/lít và giá bán là 17.130 đồng/lít);
- Dầu diesel 0.05S: tăng 271 đồng/lít, không cao hơn 12.647 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 200 đồng/lít thì sẽ tăng 471 đồng/lít và giá bán là 12.847 đồng/lít);
- Dầu hỏa: tăng 370 đồng/lít, không cao hơn 11.558 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 300 đồng/lít thì sẽ tăng 670 đồng/lít và giá bán là 11.858 đồng/lít);
- Dầu mazut 180CST 3.5S: giữ nguyên giá đối với mặt hàng dầu mazut và ở mức không cao hơn 12.272 đồng/kg (nếu không chi Quỹ BOG thì giá sẽ tăng 181 đồng/kg và giá bán là 12.453 đồng/kg).
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 03/2020-01/2021

Thời gian thực hiện
- Trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 11 tháng 01 năm 2021.
- Điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ 00 ngày 11 tháng 01 năm 2021.
- Kể từ 15 giờ 00 ngày 11 tháng 01 năm 2021, là thời điểm Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương