Dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn ở mức 60,64 USD/thùng, tăng 22 cent hay 0,4%, sau khi đạt mức cao kể từ tháng 6/2015 tại 60,68 USD/thùng trước đó trong ngày.
Dầu thô Brent kỳ hạn - chuẩn quốc tế của giá dầu - ở mức 67,2 USD/thùng tăng 33 cent hay 0,5% sau khi đạt mức cao 67,23 USD/thùng trước đó trong ngày kể từ tháng 5/2015.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2014 cả hai loại dầu thô mở cửa năm mới trên ngưỡng 60 USD/thùng.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới kỳ hạn Oanda, Singapore cho biết “tồn kho toàn cầu đang giảm và tăng trưởng kinh tế mạnh lấn át sự khởi động lại của đường ống Forties và sự khôi phục sản lượng sau khi đóng cửa đường ống tại Libya”.
Hệ thống đường ống Forties công suất 450.000 thùng/ngày tại Biển Bắc trở lại hoạt động hoàn toàn công suất vảo ngày 30/12 sau khi bất ngờ đóng cửa.
Thêm các yếu tố cơ bản, thị trường dầu mỏ được hỗ trợ bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga kéo dài hết năm 2018. Tăng trưởng nhu cầu mạnh, đặc biệt từ Trung Quốc cũng đang hỗ trợ dầu thô.
William O’Loughlin, nhà phân tích đầu tư tại công ty chứng khoán Rivkin, Australia cho biết “tồn kho dầu đang sụt giảm kể từ tháng 3/2017 và OPEC đã cam kết gia hạn thỏa thuận cắt giảm đến hết năm 2018 vì thế không thể tranh cãi khi nói rằng triển vọng cung cầu dầu mỏ đã cải thiện kể từ đầu năm 2017”.
Tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm gần 20% từ mức cao lịch sử tháng 3/2016 xuống 431,9 triệu thùng.
Chỉ có sản lượng của Mỹ ngày càng tăng là trở ngại đối với triển vọng trong năm 2018.
O’Loughlin cho biết “giá tăng được dự kiến làm tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ”.
Sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng gần 16% kể từ giữa năm 2016, thành 9,75 triệu thùng vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, công ty tư vấn Rystad Energy cho biết “sản lượng dầu thô của Mỹ có thể đạt 10 triệu thùng/ngày”.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet