Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, trong ngày cuối tháng 8 (31/8), Liên Bộ công bố điều hành giá xăng dầu kể từ 15h. Cụ thể, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn, xăng E5 RON92 giảm 135 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 170 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 165 đồng/lít; dầu hỏa giảm 69 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 244 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5RON92 không cao hơn 19.223 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 20.235 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.339 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 15.327 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.828 đồng/kg.
Đây là lần giảm giá xăng thứ 3 liên tiếp thời gian qua, với mức giảm tổng cộng khoảng 1.200 đồng/lít.
Giá xăng sau khi điều chỉnh giảm
Nguồn: Petrolimex
Nguyên nhân, điều chỉnh giảm lần này Liên Bộ cho hay, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 31/8/2019 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ (như biểu đồ dưới), cụ thể: 66,257 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,708 USD/thùng, tương đương -1,06% so với kỳ trước); 69,944 USD/thùng xăng RON95 (giảm 0,253 USD/thùng, tương đương -0,36% so với kỳ trước); 73,891 USD/thùng dầu điêzen 0.05S (giảm 0,97 USD/thùng, tương đương -1,3% so với kỳ trước); 74,419 USD/thùng dầu hỏa (giảm 0,373 USD/thùng, tương đương -0,5% so với kỳ trước); 350,229 USD/tấn dầu madút 180CST 3.5S (giảm 8,94 USD/tấn, tương đương -2,49% so với kỳ trước).
Nhằm hỗ trợ cho việc bình ổn thị trường dịp nghỉ lễ 2/9 (thời gian nhu cầu đi lại, mua sắm, du lịch, giải trí… tăng cao), đồng thời bảo đảm giá xăng dầu trong nước có sự điều chỉnh phù hợp với xu hướng biến động giá thị trường thế giới, vừa tiếp tục gia tăng Quỹ Bình ổn giá để có dư địa điều hành bình ổn giá các tháng cuối năm.
Theo văn bản số 6464/BCT-TTTN ngày 31.8.2019 của Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ 15 giờ 00 cụ thể như sau:
Nguồn: Petrolimex
Bên cạnh đó, gia tăng mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu khuyến khích sử dụng xăng sinh học, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu theo hướng điều chỉnh giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với một số loại xăng dầu và có chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92.
Liên Bộ quyết định thực hiện giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng RON95 xuống mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 500 đồng/lít), giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại dầu ở mức 500 đồng/lít/kg.
Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không muộn hơn 15 giờ 00 ngày 31/8/2019 đối với các mặt hàng xăng, dầu.
Thời điểm trên cũng là thời điểm Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ công bố cho đến trước ngày Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.
Tại thị trường khí gas, thông tin từ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas khu vực phía nam, kể từ ngày 1/9 giá gas bán lẻ giảm 3.000 đồng/bình 12 kg.
Đây là lần thứ 3 trong năm giá gas giảm với tổng mức giảm 55.000 đồng/bình 12 kg.
Theo đó, bình gas 12 kg của PetroVietnam Gas có giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là 293.000 đồng, Petrolimex Gas SaiGon 303.500 đồng. Các thương hiệu gas khác như City Gas, EFF Gas cũng có giá bán lẻ không quá 300.000 đồng/bình 12 kg.
Nguyên nhân giá giảm, theo Chi hội Gas miền Nam, giá gas thế giới tháng 9 công bố 350 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng 8. Như vậy, sau 5 tháng giá gas liên tục tăng với tổng mức tăng 42.000 đồng/bình 12 kg, đây là lần thứ ba trong năm giá gas giảm, với tổng mức giảm 55.000 đồng/bình 12 kg.
Trên thế giới, giá khí gas thiên nhiên lúc 16 giờ chiều ngày 31/8/2019 giảm 0,36% còn 2,294 USD/mmBTU (1.000 mét khối khí thiên nhiên tương đương khoảng 36 mmBTU) đối với hợp đồng phí gas tự nhiên giao tháng 9. Tuy nhiên, mức này tương đối cao so với phiên đóng trước đó có giá 2,275 USD/mmBTU.
Giá khí gas tự nhiên trên thế giới kết thúc phiên ngày làm việc cuối tuần (30.8) là 2,287 USD/mmBTU, giảm 0,57% so với ngày trước đó và giảm đến 21,58% so giá khí gas thế giới cùng kỳ năm ngoái.
So sánh biến động giá gas thế giới và trong nước năm qua
Tại thị trường
dầu mỏ thế giới, số liệu chính thức cho thấy việc dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ giảm mạnh đã nối dài đà tăng của giá dầu thế giới trong các phiên 28/8 và 29/8.
Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần trước thềm cơn bão Dorian, nhưng giá dầu thô Mỹ vẫn khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức tăng mạnh nhất tính theo tuần kể từ đầu tháng Bảy, nhờ những tín hiệu tích cực từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Phiên đầu tuần này, giá dầu thế giới giảm 1% giữa lúc triển vọng nguồn cung từ Iran gia tăng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận giữa Washington và Tehran. Tổng thống Macron cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vài tuần tới đang được tiến hành, nhằm tìm kiếm giải pháp cho xung đột Mỹ-Iran.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã bị hạn chế nhờ tâm lý lạc quan về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhân tố góp phần hỗ trợ giá vàng là phát biểu mới đây của Tổng thống Trump về căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp), ông Trump nói ông tin tưởng Trung Quốc mong muốn đạt được một thỏa thuận. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn đám phán Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán “điềm tĩnh” và phản đối bất kỳ hành động làm gia tăng căng thẳng thương mại nào.
Giá dầu thế giới lại đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch nhiều biến động ngày 27/8, bởi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm. Ông Bob Yawger, quan chức phụ trách năng lượng kỳ hạn của Mizuho tại New York (Mỹ), cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong khi việc tinh chế dầu thô tăng mạnh, là những yếu tố tác động tích cực đến giá dầu thô, qua đó lấn át lo ngại các căng thẳng thương mại sẽ tác động xấu đến nhu cầu năng lượng.
Số liệu chính thức cho thấy việc dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ giảm mạnh đã nối dài đà tăng của giá dầu thế giới trong các phiên 28/8 và 29/8. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 23/8, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ (trừ các kho dự trữ dầu khí chiến lược) đã giảm 10 triệu thùng xuống 427,8 triệu thùng so với tuần trước. Hiện lượng dự trữ dầu của Mỹ ở mức trung bình cùng thời điểm 5 năm trước đây.
Tuy nhiên, cơn bão Dorian đang đến gần đã khiến giá dầu thô Mỹ giảm gần 3% trong phiên cuối tuần (30/8) do lo ngại nhu cầu sẽ giảm xuống. Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 65 xu Mỹ, hay 1,1%, xuống còn 60,43 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 1,61 USD, hay 2,8%, và được giao dịch ở mức 55,10 USD/thùng.
Theo thông báo của Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC), cơn bão Dorian đang tiến vào vào quốc đảo Bahamas và bờ biển phía Đông bang Florida trong dịp nghỉ lễ Lao động Mỹ cuối tuần đã mạnh lên thành cấp 4, cấp cực kỳ nguy hiểm. Với sức gió có thể lên tới 215 km/h, đây được xem là một trong những trận bão nhiệt đới mạnh nhất tiến vào nước Mỹ. Bão Dorian được cho là sẽ tác động mạnh đến nhu cầu dầu.
Về mặt cung, sản lượng dầu của Mỹ đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Sáu, với mức giảm 33.000 thùng/ngày xuống còn 12,08 triệu thùng/ngày, theo báo cáo vừa được công bố của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ. Trong khi đó, kết quả khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng 80.000 thùng/ngày trong tháng Tám, tháng tăng đầu tiên trong năm nay.
Giá dầu đã giảm khoảng 20% kể từ khi chạm mức cao nhất trong năm 2019 hồi tháng Tư, một phần do những lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu đối với “vàng đen”.
Tính riêng trong tháng Tám, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 7,3%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 6%. Tuy nhiên, tính trong tuần vừa qua, giá dầu thô Mỹ lại tăng 1,7% còn giá dầu Brent tăng 1,8%, một phần nhờ những kỳ vọng rằng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dịu xuống. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/8 cho biết các đoàn đàm phán của hai nước đang duy trì các cuộc thảo luận hiệu quả.
Nguồn: VITIC tổng hợp