Cụ thể:
Theo thông tin từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, kể từ 16h30 chiều ngày 2/7/2019, mỗi lít xăng RON 95 tăng 383 đồng, E5 RON 92 lên 420 đồng. Các mặt hàng dầu tăng 105-326 đồng một lít, kg.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 lên mức tối đa 19.653 đồbg một lít; xăng RON 95 là 20.517 đồng; dầu diesel 16.949 đồng một lít...
Liên bộ cũng điều chỉnh mức trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng. Cụ thể, mức trích với xăng E5 RON 92 còn 200 đồng một lít, giảm 100 đồng so với kỳ trước; xăng RON 95 giảm 200 đồng.
Giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này với RON 92 (loại xăng nền dùng pha chế E5 RON 92) là 67,69 USD một thùng, RON 95 là 69,315 USD một thùng, tăng 5-5,3% so với kỳ trước. Giá dầu cũng trong thời kỳ điều chỉnh nhẹ.
Như vậy sau 3 lần giảm liên tiếp từ đầu tháng 5 đến nay, giá xăng đã có đợt tăng trở lại.
Giá xăng mới sau khi điều chỉnh
Trên thị trường khí gas, giá điều chỉnh giảm kể từ 1/7/2019, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng TP HCM sẽ giảm 19.000 đồng, xuống 306.000 đồng – đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp sau chuỗi năm tháng leo thang trong năm 2019.
Trong 2 tháng gần đây, tức tháng 6-7/2019, giá nhiên liệu này giảm tổng cộng 4.333 đồng mỗi kg, tương đương mỗi bình 12 kg giảm được 52.000 đồng.
Nguyên nhân giá gas tháng 7 giảm mạnh được các nhà bán lẻ trong nước giải thích, là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 365 USD một tấn, giảm 57,5 USD mỗi tấn so với tháng trước.
Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Trên
thế giới, giá dầu châu Á hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong 5 tuần. Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 5/7 do các chỉ số kinh tế yếu kém từ Mỹ và Đức, trong khi bỏ qua thông tin OPEC và các đồng minh gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung tới tháng 3/2020.
Theo đó, giá dầu thô thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 0,79 USD xuống 56,55 USD/thùng vào lúc 14 giờ 54 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu Brent Biển Bắc cũng lùi 0,23 USD xuống 63,07 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đang hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong vòng 5 tuần qua.
Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, các nhà phân tích của Ngân hàng Royal Bank of Canada cho hay giá dầu giảm khi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã lấn át sự hỗ trợ từ thỏa thuận của OPEC và tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
Số đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã giảm sâu hơn dự kiến vào tháng 5/2019. Bộ Kinh tế Đức sau đó cũng đã cảnh báo rằng lĩnh vực công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể sẽ vẫn yếu trong những tháng tới.
Còn tại Mỹ, số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy số đơn đặt hàng mới của các nhà máy tại đây trong tháng Năm đã giảm sang tháng thứ hai liên tiếp, làm dấy lên những lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính những số liệu không mấy lạc quan này đã khiến giới quan sát lo ngại rằng nhu cầu dầu của các ngành công nghiệp sẽ yếu đi trong thời gian tới.
Một yếu tố hỗ trợ cho giá dầu trong tuần này là việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, bao gồm Nga, nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày tới tháng Ba năm sau.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Alfonso Esparza của công ty môi giới tài chính OANDA cho rằng những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn là yếu tố chính kìm hãm giá dầu thô. Chuyên gia này cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ giữ giá dầu không giảm quá mạnh, nhưng nếu muốn đảm bảo nhu cầu về các sản phẩm năng lượng phục hồi, thế giới cần tìm được giải pháp cho những tranh chấp thương mại lẫn chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ đang dâng cao.
Nguồn: VITIC tổng hợp