Bà Hiền cho biết việc phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm đang được Bộ Tài chính xem xét và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối tháng 10/2015.

Theo Nghị quyết 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước 2015 có quy định từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ.
 
Đây chính là lý do khiến tỷ lệ đấu thầu trái phiếu Chính phủ 8 tháng đầu năm đạt tỷ lệ thấp. Bởi các ngân hàng, nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu Chính phủ ưa chuộng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, 2 năm và 3 năm.

Tính đến 14/8/2015, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành ra thị trường là 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015. Bà Hiền thừa nhận, việc huy động 250.000 tỷ đồng trái phiếu cho ngân sách trong năm 2015 là tương đối khó khăn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong văn bản chỉ đạo về việc điều hành ngân sách Nhà nước năm 2015 và triển khai nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 mới đây đã giao cho giao Kho bạc Nhà nước đảm bảo huy động đủ 250.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ được giao, đồng thời phát hành khoảng 20.000 tỷ đồng tín phiếu Kho bạc để đảm bảo thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Đồng thời, Bộ trưởng Dũng cũng giao Vụ Tài chính Ngân hàng chủ động trong việc trình cấp có thẩm quyền cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm cho đầu tư phát triển và đảo nợ.

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính cũng cho rằng, bản chất việc phát hành trái phiếu Chính phủ không phải chỉ huy động vốn cho ngân sách Nhà nước.

Thị trường trái phiếu Chính phủ còn có vai trò quan trọng hơn là thiết lập thị trường chuẩn cho thị trường tài chính, bởi trái phiếu Chính phủ được cho là sản phẩm tài chính không có rủi ro. Kinh nghiệm của các nước để thiết lập lãi suất chuẩn cần phát hành đa dạng các kỳ hạn, gồm cả tín phiếu dưới 1 năm hay trái phiếu có kỳ hạn từ 1 năm, 2 năm đến 20, 25 năm

Tháng 7/2015, Việt Nam cũng lần đầu tiên phát hành 3.450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm. Theo bà Hiền, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn này vào tháng 10.

Đồng thời, để đa dạng các loại hình trái phiếu, Bộ Tài chính cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero-coupon) và trái phiếu lãi suất thả nổi. Bà Trần Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Huy động vốn, Kho bạc Nhà nước cho biết, đề án phát hành trái phiếu zero-coupon đang chờ lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt. Dự kiến, sản phẩm này sẽ được triển khai vào tháng 12/2015.

Đối với trái phiếu lãi suất thả nổi, bà Hiền cho biết, phải căn cứ vào lãi suất chuẩn của tín phiếu Kho bạc Nhà nước được phát hành định kỳ 6 tháng/lần. Để tạo cơ chế cho loại trái phiếu này, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để đề xuất Quốc hội xem xét quyết định vào kỳ họp diễn ra vào tháng 10.

Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện để sớm trình Chính phủ xem xét ban hành.

Thái Hà