Choáng với tên dài 35 chữ cái!

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Quốc hội Hà Hùng Cường cho rằng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Quốc hội là chúng ta phải xây dựng Bộ Luật Dân sự phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. “Chúng ta phải sửa sao đừng để Bộ Luật Dân sự cứ 10 năm phải sửa một lần. Đáp ứng được những vấn đề thực tiễn phát sinh” – ông Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chính vì mục tiêu của dự thảo Luật là đáp ứng được những vấn đề thực tiễn nên những dẫn chứng cụ thể cũng được nhiều đại biểu đưa ra góp ý.Theo đại biểu Giàng A Chu, vấn đề dự thảo Luật quy định không được đặt tên bằng số và ký tự là phù hợp, bởi có nhiều người đặt tên không giống ai. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định họ tên khai sinh không quá 25 chữ cái thì có dài quá không?

Đại biểu Giàng A Chu cũng cho rằng, trong dự thảo Luật đề cập đến vấn đề đặt tên cho con nuôi, nhưng có một thực tế hiện nay ở đồng bào dân tộc là người Việt Nam lấy chồng ở nước ngoài, sinh con xong về nước thì chính quyền không cho khai sinh và nhiều cháu không có tên khai sinh. “Trong dự thảo Luật cần bổ sung vào nội dung tên có yếu tố nước ngoài thì quy định thế nào cho hợp lý” – ông Giàng A Chu đề nghị.

Về vấn đề quyền đổi tên, theo một số đại biểu, tại khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật quy định trẻ 9 tuổi nếu đồng ý có thể được đổi tên là không hợp lý. Bởi trẻ mới 9 tuổi thì khó có thể nhận thức hết được, không đủ hiểu biết để thay đổi họ tên mình. Mà cần phải nâng lên mức là 14 tuổi trở lên (đủ tuổi vị thành niên) thì mới phù hợp.

Làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, trước kia làm khai sinh thì nam giới bao giờ cũng có tên đệm là “văn”, nữ giới thì “thị”, rồi cùng với thời gian họ tên của nhiều người tăng lên 3 chữ, 4 chữ… Nhưng đến nay có những người khai sinh tên phải nói là rất “éo le”.

Trong phản ánh của các cơ quan đăng ký hộ tịch có người tên khai sinh tới 35 chữ cái, như “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân”. Cán bộ hộ tịch không có lý do gì từ chối sự đặt tên của bố mẹ cho con. Nhưng sau này đi làm giấy tờ, khổ giấy chứng minh, giấy phép lái xe nhỏ phải viết tắt thì rất khó. Như trường hợp tên phải viết tắt là “Lê.H.Hiếu.N.Đ.N.T.Tâm.Nhân”. Những cái tên dài như thế trước mắt là khó khăn cho bản thân người đó và khó khăn cả với các cơ quan quản lý.

Luật TCTD cho phép cho vay thỏa thuận

Đối với vấn đề quy định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 483, Bộ luật Dân sự), theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Điều 483 dự thảo Bộ luật quy định về lãi suất như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác”. Vẫn có hai loại ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Hà Hùng Cường, thì từ năm 2009 đến nay, NHNN không công bố lãi suất cơ bản do đó NHNN cho rằng lấy lãi suất cơ bản làm căn cứ là không phù hợp và nên lấy lãi suất trung bình liên NH. “Nhưng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định thì lãi suất bình quân liên NH còn được nhưng trong thời gian qua kinh tế vĩ mô không ổn định thì lãi suất liên NH cũng thay đổi liên tục. Do đó, nếu căn cứ vào lãi suất mà thay đổi thường xuyên thì cũng không được” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Theo ông Hà Hùng Cường, ở các nước thì họ không căn cứ vào lãi suất cơ bản mà căn cứ theo mức lương, nhưng ở nước ta thì lương cơ bản cũng thay đổi nên khó lấy làm chuẩn để thực hiện.

Đến nay Chính phủ đã thảo luận và cũng đồng ý với dự thảo Luật này. Và nếu vẫn giữ nguyên như dự thảo thì khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực thì NHNN phải định kỳ công bố lãi suất cơ bản.

“Nhưng lãi suất cơ bản thì không bắt NHNN phải 6 tháng hay 1 năm phải công bố mà NHNN căn cứ vào ổn định kinh tế vĩ mô, có thể 5 năm, 10 năm công bố. Khi có lãi suất cơ bản thì chúng ta miễn định được câu chuyện cho vay như thế nào để đảm bảo trật tự” – ông Hà Hùng Cường giải thích.

Tuy nhiên, theo dự thảo Bộ luật Dân sự có thêm lãi suất cơ bản nhưng trong Luật cũng có điểm là “trừ trường hợp Luật các TCTD có quy định khác”. Như vậy, Luật cũng đã mở đường cho lĩnh vực NH. Bởi trong Luật các TCTD cho phép cho vay thỏa thuận giữa các TCTD với nhau, cho vay giữa TCTD với cá nhân, pháp nhân nào đó thì hoàn toàn theo thị trường và do chính sách của ngân hàng quyết định.

Điều này, theo ông Hà Hùng Cường, cũng phù hợp với Luật TCTD và phù hợp với thị trường vì trong thực tế, một NH cho vay dự án có tính khả thi cao thì người vay có thể được hưởng mức lãi suất thấp, còn dự án có tính rủi ro cao thì đương nhiên lãi suất không thể nào thấp được.

Theo Đức Nghiêm
Thời báo Ngân hàng

Nguồn: Thời báo ngân hàng