Chiều ngày 27/6, Tọa đàm Quản trị Công ty được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Tọa đàm này nằm trong sự kiện Lễ trao giải Báo cáo thường niên 2015.

Điểm quản trị của DNVN ở mức trung bình
TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Maastricht MBA cho biết, theo kết quả chấm điểm quản trị 3 năm liên tiếp các doanh nghiệp thuộc ASEAN, mức điểm của doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) chỉ ở mức trung bình, đạt từ 28 – 35%, trong khi trung bình của khu vực là 80 – 85%. Do đó, bài toán phát triển hội nhập đặt ra rất lớn đối với DNVN.

Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban môi trường Kinh doanh CIEM không ngại ngần bày tỏ “bâng khuâng, băn khoăn” về thực trạng của 70.000 công ty cổ phần ở Việt Nam, khi mà mức độ quản trị của các công ty lại thua kém các nước khác. Ông Hiếu nhìn nhận quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ để tuân thủ quy định pháp luật, làm để nộp cho đủ thủ tục chứ không vì quyền lợi doanh nghiệp.

Ông Hiếu nhấn mạnh áp dụng quản trị doanh nghiệp cho đủ 70.000 công ty cổ phần chứ không phải chỉ cho các công ty niêm yết. Do đó, mục tiêu là thiết lập nguyên tắc tối thiểu cho doanh nghiệp, quy định các nội dung cứng để doanh nghiệp làm theo, áp dụng chứ không phải để tuân thủ vì luật. “Hãy quản trị bằng cả trái tim”, ông Hiếu ví von.

Bổ sung quan điểm này, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Dragon Capital cho biết, quản trị doanh nghiệp giúp đảm bảo quyền của cổ đông và chức năng sở hữu của cổ đông; đảm bảo đối xử công bằng với cổ đông; quan tâm đến vai trò, quyền lợi và người có nghĩa vụ liên quan; thể hiện trách nhiệm của HĐQT. Tuy nhiên, nhiều công ty lại làm theo cái máy, không nghĩ nó là chuẩn mực có tính dẫn dắt.

Ở góc nhìn của nhà quản lý, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HOSE cho biết, liên quan đến quản trị doanh nghiệp, 100% công ty niêm yết có báo cáo niêm yết doanh nghiệp đầy đủ, trong đó có 21% công ty tuân thủ điều lệ mẫu – mức đáp ứng nhu cầu quản trị doanh nghiệp cao hơn nhu cầu tối thiểu của doanh nghiệp. 100% doanh nghiệp ban hành đầy đủ cơ chế nội bộ công ty, trong đó có 77% doanh nghiệp thực hiện theo các nội dung được yêu cầu tại Thông tư 121.

Đối với việc tách bạch quyền hành HĐQT và Ban điều hành, bà Đào nói chỉ có 30% công ty còn tình trạng HĐQT kiêm nhiệm Tổng Giám đốc.

Đối với việc bổ sung thành viên HĐQT độc lập, từ khi có Thông tư 121, việc lựa chọn thành viên HĐQT độc lập khắc khe hơn, tức là không có liên hệ với công ty con, công ty liên kết, không có quyền lợi luên quan, không tham gia vào công ty kiểm toán.

Cần cơ chế thị trường mạnh hơn trong quản trị
Theo bà Hiền, khoảng cách chênh lệch về quản trị doanh nghiệp giữa các nước không phải do cơ chế luật pháp. Điều rõ ràng nhất là trong 25 câu hỏi về luật trong bảng chấm điểm thì Việt Nam đạt khoảng 18 tiêu chí. Điểm chênh lệch, bà Hiền cho rằng ở cơ chế thị trường của Việt Nam còn rất yếu, không hiệu quả, không nâng cao được nhận thức của doanh nghiệp về cơ chế quản trị.

Bà Hiền đồng ý luật pháp là yêu cầu tối thiểu, tuy nhiên cần cơ chế thị trường mạnh hơn như cần nhà đầu tư lớn, có tiếng nói mạnh mẽ hơn,  tạo ra thế lực yêu cầu công ty quản trị tốt hơn. 
Ngoài ra, vai trò chất vấn của báo chí, truyền thông cũng cần được phát huy mạnh mẽ để phát hiện các sai phạm. Cần có đội ngũ tư vấn, cơ sở đào tạo, các chương trình tập huấn cho doanh nghiệp để đi đến các hành động cụ thể. Quan trọng hơn, thị trường cần nghiêm khắc hơn đối với các thông tin sai lệch, không minh bạch.

Ông Hiếu cho rằng, từ ngày 1/7, các công ty có thể lựa chọn mô hình quản trị công ty theo cách mà mình thấy phù hợp. Theo đó,  luật doanh nghiệp có tính linh hoạt áp dụng cho từng công ty cụ thể để chọn cách quản trị phù hợp. Đối với công ty cổ phần, các công ty có thể chọn mô hình 2 hội đồng hoặc 1 hội đồng (theo quy định mới).

Để quản trị được hiệu quả, ông Hiếu cũng nhấn mạnh  khi áp dụng quản trị doanh nghiệp, các công ty phải thay đổi góc nhìn, đừng nhìn về phía an toàn cho mình mà hãy vì rủi ro của đối tác. “Từ bỏ thói quen quản trị vì luật, hãy vì lợi ích của chính chúng ta”, ông Hiếu nói.
Khổng Chiêm