Đến cuối tháng 7-2015, tỷ giá tiền đồng vẫn duy trì được trạng thái khá ổn định, ít nhất là về mặt tâm lý. Cam kết kiểm soát biên độ tăng không quá 2% được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định nhiều lần, cho dù kể từ ngày 7-5 đã chính thức xài hết room cho phép.
Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 8, mọi thứ đã đảo lộn bất ngờ khi chỉ trong vòng một tuần lễ, NHNN đã liên tiếp phá giá tiền đồng bằng động tác kép, vừa nới biên độ, vừa nâng tỷ giá điều hành, đưa tỷ lệ phá giá cả năm vọt lên đến 5%.
Đây là tình huống hoàn toàn nằm ngoài dự báo, được NHNN viện dẫn bởi sức ép từ việc phá giá mạnh nhân dân tệ và khả năng tăng lãi suất của FED.
Thị trường tiền tệ đã có sự phản ứng nhanh chóng. Tỷ giá niêm yết mua/bán chính thức ở các ngân hàng thương mại vọt lên gần mức trần 22.547 đồng, giá vàng chao đảo mạnh, và không có gì bảo đảm rằng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định như trước trong bối cảnh đồng đô la Mỹ bắt đầu lên ngôi, đe dọa soán vị thế của tiền đồng.
Một đặc thù khá lạ lùng về tỷ giá ở nước ta là tình trạng “té nước theo mưa”: khi tỷ giá điều hành tăng thì gần như tỷ giá thị trường cũng tăng theo ở thế kịch trần. Nhiều khi nhà điều hành (NHNN) không thể “chủ động dẫn dắt thị trường” như thường tuyên bố mà phải bị động chạy theo thị trường tự do. Điều này đồng nghĩa với việc “bản chất thị trường” của tỷ giá tiền đồng vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải xử lý cả về phương diện ngắn hạn và dài hạn.
Về lý thuyết, khi phá giá đồng nội tệ, nhà xuất khẩu trong nước luôn được hưởng lợi trong khi nhà nhập khẩu lại phải gánh chịu nhiều thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu xét đến những “điểm huyệt” cố hữu của nền kinh tế vĩ mô: (1) nợ công đô la Mỹ đang có xu hướng tăng nhanh, chỉ qua một đêm số nợ quy ra tiền đồng mặc nhiên tăng lên hàng ngàn tỉ đồng, (2) hiện tượng “xuất thô/nhập tinh” tiếp tục kéo dài, lợi thế so sánh cạnh tranh thường ở thế thua thiệt, (3) năng lực xuất siêu bị hạn chế, riêng những tháng đầu năm lĩnh vực nông thủy sản giảm khá mạnh, (4) nhập siêu chính ngạch không đáng lo bằng khoản nhập siêu “ngoài luồng” khổng lồ từ láng giềng Trung Quốc, sau khi nhân dân tệ bị phá giá mạnh sẽ càng được kích hoạt, hàng hóa thẩm lậu tràn vào và có nguy cơ đè bẹp thị trường nội địa Việt Nam.
Như vậy tính ra “cái giá phải trả” cho đợt phá giá tiền tệ lần này là rất đáng kể. Việc phá vỡ “cam kết” của NHNN cũng không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là thượng sách, mà thực ra chỉ là chiến thuật vượt cạn do không còn lựa chọn nào khác.
Sự kiện phá giá tiền tệ dồn dập ở một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, một lần nữa cho thấy thế lực mạnh mẽ của quan hệ cung cầu thị trường và khả năng thao túng của các “đồng tiền lớn” như đô la Mỹ/euro/nhân dân tệ... Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, thế lực này ngày càng trở nên khó lường, không dễ dàng ứng phó, kể cả không thể cưỡng lại được nếu chúng ta không chủ động thay đổi mô hình quản lý theo hướng mềm dẻo, linh hoạt, mang đậm “chất thị trường” nhiều hơn.
Cần thiết phải sớm tổng duyệt lại cơ chế điều hành tỷ giá trong bối cảnh mới, nếu vẫn tiếp tục duy trì lề lối cứng nhắc như hiện nay thì chắc chắn NHNN sẽ phải đối mặt với nhiều lúng túng, kể cả rủi ro về lòng tin khi đưa ra những tuyên bố “cam kết điều hành” dễ dàng bị thị trường hạ nốc ao.
Càng không nên ảo tưởng về những nguồn lực hiện hữu nhằm phòng vệ cho sự ổn định tỷ giá, trước hết là dự trữ ngoại tệ khoảng 40 tỉ đô la Mỹ, bởi nếu phát sinh những sự cố thị trường tương tự kiểu “chiến tranh tiền tệ” thì khoản dự trữ đó có thể bốc hơi chỉ trong một vài tuần.
Tỷ giá từ trước đến nay luôn được xem là tấm gương phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên tiềm ẩn đằng sau nội lực đó, mang dấu ấn quyết định, chính là tư duy và năng lực quản trị chính sách của các cơ quan điều hành vĩ mô. Cần thiết phải nhắc lại, tỷ giá là con đẻ của quan hệ thị trường, vì vậy cần phải được ứng xử theo những nguyên tắc thị trường.
Ổn định tỷ giá không có nghĩa là cố can thiệp một cách chủ quan vào sự biến động của mối quan hệ cung cầu. Điều đáng quan tâm không phải là mức độ tăng/giảm tỷ giá hàng ngày bao nhiêu mà quan trọng hơn là những hệ quả do chính sách tỷ giá mang lại sẽ được hóa giải theo phương cách nào, tích cực hoặc tiêu cực, chủ động hoặc bị động?
NHNN phải xác lập lại vai trò của mình, không nhất thiết phải “ôm rơm”, cứ mỗi khi xuất khẩu bị suy giảm là dư luận cứ nhằm vào tỷ giá để phê phán mà không thấy được rằng đây là chỉ là một phần mắt xích trong bài toán tổng thể về chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Một kiến nghị thiết nghĩ nên tiến hành ngay là cần sớm từ bỏ biện pháp tác động trực tiếp đến tăng/giảm tỷ giá điều hành hàng ngày, thay vào đó nên tập trung vào biện pháp gián tiếp bằng việc nới lỏng biên độ dao động tỷ giá lên đến mức độ phù hợp, có thể từ 5-10%. Tiến đến sẽ dỡ bỏ hoàn toàn biên độ quản lý, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tỷ giá vận hành tự do theo tín hiệu thị trường, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế chủ động nhập cuộc, tập dượt, tự tính toán các giao dịch ở mức tỷ giá cơ hội sao cho hiệu quả nhất, đi kèm với việc vận dụng rộng rãi các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá theo thông lệ quốc tế.
Trong định hướng đổi mới thể chế kinh tế, vấn đề đổi mới tư duy về vận dụng kinh tế thị trường hiện đại trên phương diện quản lý nhà nước đang diễn tiến rất chậm chạp. Nghịch lý này đi ngược lại với nhu cầu và tiến độ mở cửa hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Cơ quan quản lý thay vì tập trung vào những nhiệm vụ chiến lược thì lại ôm đồm nhiều việc cụ thể quá mức, tạo ra nhiều rào cản thủ tục hành chính, dung dưỡng cho tình trạng độc quyền doanh nghiệp ẩn nấp dưới dạng độc quyền nhà nước, hạn chế và thủ tiêu cạnh tranh tự do, để xảy ra biến tướng, thao túng, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí, gây thiệt hại đến lợi ích chung của nền kinh tế và người tiêu dùng. Lựa chọn đổi mới nào cũng có mặt tốt mặt xấu, nhưng cái giá phải trả cho sự bảo thủ trì trệ thì luôn lớn hơn rất nhiều do phải chấp nhận bỏ lỡ những cơ hội phát triển.
Tỷ giá cũng vậy, mặc dù là một lĩnh vực rất phức tạp, nhưng đã đến lúc phải mạnh dạn từ bỏ lề lối điều hành cũ, sớm thay đổi để chủ động bắt nhịp và ứng phó với thời cuộc.
Theo Tâm Dân
TBKTSG