Ngày 8/6/2015, tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) có phát biểu với hai điểm đáng chú ý.

Một là: “Đến nay nợ xấu trong nền kinh tế đã bị VAMC bắt nhốt lại, nhưng đó mới chỉ là nhốt lại, xích lại, nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, qua ba năm VAMC mới chỉ bán được 2-3% nợ xấu. Theo đà này thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu, đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm, nghìn tỷ đồng để cứu vãn nền kinh tế hiện nay”.

Hai là: “Về giải pháp xử lý nợ xấu, tư duy là phương pháp xử lý nợ xấu phải theo nguyên lý thị trường, tiền tươi thóc thật, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản, tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu”.

Ngoài quan điểm trên, thời gian qua cũng có một số chuyên gia nhấn mạnh lại quan điểm “bắt nhốt”, “xích” nợ xấu lại với ý như trên.

Về phát biểu của đại biểu Huỳnh Nghĩa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có văn bản giải trình cụ thể. Tuy nhiên, đến gần đây tài liệu này mới được công bố rộng rãi.

“Không thể nhanh được”

Trong bản giải trình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng có cùng quan điểm với đại biểu Huỳnh Nghĩa trên nhiều khía cạnh trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để xử lý nhanh nợ xấu, cần có các điều kiện tiên quyết là Chính phủ dành vốn cần thiết cho xử lý nợ xấu; khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm hoàn chỉnh, đồng bộ; kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh có triển vọng tốt; có thị trường tài chính, thị trường mua bán nợ phát triển; có hệ thống khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia vào việc xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, Thống đốc Bình cho rằng, về cơ bản Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện tiên quyết nói trên. Vì vậy, việc xử lý triệt để nợ xấu không thể nhanh được là điều rõ ràng.

Việc xử lý nợ xấu qua VAMC là một trong các giải pháp xử lý được đề ra tại Quyết định số 843 và được đánh giá bước đầu đem lại hiệu quả, đáp ứng được nhiệm vụ VAMC mua một lượng lớn nợ xấu của các tổ chức tín dụng thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt, góp phần làm sạch bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho họ mở rộng tín dụng với lãi suất giảm dần cho nền kinh tế.

Nhưng, một lần nữa Thống đốc Bình dẫn lại, do nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, vì vậy bên cạnh các giải pháp xử lý nợ xấu được ngành ngân hàng triển khai quyết liệt, có hiệu quả (trong đó có xử lý nợ xấu qua VAMC), để xử lý nợ xấu một cách triệt để, bền vững, ngăn chặn nguy cơ nợ xấu quay trở lại đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc phục hồi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản,...

“Và đặc biệt là cần phải có sự hỗ trợ tài chính của ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu”, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.

Trước thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, VAMC và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Trong bản giải trình, Thống đốc Bình cũng đề cập đến một hướng đi mới là phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC, cũng như chỉ đạo tổ chức này triển khai thực hiện ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tách nhanh, không bán nhanh

Việc mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường của VAMC sẽ được thực hiện từng bước cùng với việc tháo gỡ dần các vướng mắc về cơ chế, chính sách, hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Bình, nếu làm nhanh, hạ giá bán thấp để kích thích người mua, đẩy nhanh xử lý nợ xấu thì có thể dẫn đến tài sản của hàng nghìn doanh nghiệp bị bán rẻ và lâm vào tình trạng khó khăn hơn, người lao động mất việc làm.

“Hơn nữa, việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường cũng không phải là giải pháp triệt để xử lý nợ xấu vì khách hàng vay vẫn còn nợ xấu, vẫn còn trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ”, Thống đốc phân tích thêm.

Dẫn thông lệ quốc tế, Thống đốc Bình cho rằng, bước đầu tiên xử lý nợ xấu là tách nhanh nợ xấu khỏi tổ chức tín dụng để chuyển về một định chế có đủ quyền lực để xử lý tập trung.

VAMC trong thời gian qua cũng tập trung thực hiện nhiệm vụ này và sau đó từng bước xử lý - điểm mà theo đại biểu Huỳnh Nghĩa là nợ xấu bị “bắt nhốt” lại.

Nhưng theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, thực tế ngay cả các công ty quản lý tài sản (AMC) ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia cũng phải mất 10-15 năm mới xử lý căn bản số nợ xấu mua được từ các ngân hàng thương mại.

Vậy nên, theo Thống đốc, “trong bối cảnh các điều kiện tiên quyết cho xử lý nợ xấu có hiệu quả còn chưa đầy đủ, kết quả xử lý nợ xấu đã đạt được mới là bước đầu phản ánh những nỗ lực to lớn của ngành Ngân hàng”.

Cũng theo ông, nguy cơ xử lý nợ xấu có thể bị chậm tiến độ, thiếu bền vững hoặc tăng trở lại do còn tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản chậm phục hồi, những khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu không được tháo gỡ kịp thời.

Tuy nhiên, với các giải pháp đang triển khai, một lần nữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh lại nhận định của mình, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015 là khả thi.

Song song với thông tin trong bản giải trình vừa công bố trên, những tháng gần đây Ngân hàng Nhà nước cũng ráo riết chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Mục tiêu mới theo đó được xác định là sẽ giảm được tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3% vào cuối tháng 9 này, dù một phần trọng đó trước mắt vẫn là tạm “bắt nhốt” tại VAMC theo yêu cầu tách nhanh khỏi tổ chức tín dụng, để sau đó từng bước tiếp tục xử lý.

Theo Thu Hương
VnEconomy

Nguồn: VnEconomy