Giải quyết nợ xấu càng nhiều, lợi nhuận trước thuế dự báo sẽ càng thấp và áp lực lợi nhuận càng cao. Dường như thấu hiểu viễn cảnh đó, Thông tư 14 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 19 về mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa được ban hành ngày 28-8-2015.

Mở thêm một cánh cửa

Quy định mới đáng chú ý của Thông tư 14 và cũng là thêm một cánh cửa được mở ra trong lộ trình tháo gỡ nợ xấu là trái phiếu. Đây là loại “trái phiếu được VAMC phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá thị trường”. Trái phiếu này được “chuyển nhượng giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng với nhau”, nó có lãi suất 0%, thời hạn của nó được xác định theo thỏa thuận giữa VAMC và bên bán nợ, nhưng tối thiểu một năm. Thời hạn có thể được gia hạn, tối đa không quá ba năm. Trái phiếu được sử dụng trong nghiệp vụ tái cấp vốn, được tham gia thị trường mở và đặc biệt các ngân hàng “không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu”.

Trái phiếu mới linh hoạt và có ưu thế hơn nhiều so với trái phiếu đặc biệt (trị giá khoảng 169.000 tỉ đồng mà VAMC đã phát hành cho đến nay). Hệ số rủi ro của trái phiếu là 0%, trong khi của trái phiếu đặc biệt là 20% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tín dụng. Việc trái phiếu không phải trích lập dự phòng rủi ro trong khi trái phiếu đặc biệt bắt buộc trích 20%/năm là sự khác nhau lớn. Ngoài ra, do có thể chuyển nhượng giữa các ngân hàng với nhau, trái phiếu mới xem ra không khác bao nhiêu so với trái phiếu chính phủ.

Các ngân hàng dĩ nhiên sẽ chuộng trái phiếu mới hơn trái phiếu đặc biệt của VAMC. Vấn đề là Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 15-10-2015 tức là trái phiếu loại mới chỉ có thể được VAMC phát hành sau khi các ngân hàng thực hiện xong việc xử lý nợ xấu đến hạn vào ngày 30-9-2015. Bên cạnh đó, số lượng, giá trị trái phiếu mới mà VAMC phát hành bao nhiêu còn tùy thuộc vào cung cầu thị trường và cân nhắc của NHNN. Trong một chừng mực nhất định, có thể hiểu cùng là nợ xấu, nhưng nợ xấu mà các ngân hàng bán cho VAMC để đổi lấy trái phiếu mới phải ở dạng có thể thu hồi được tốt hơn so với nợ xấu được bán để lấy trái phiếu đặc biệt.

Sự phân hóa trầm trọng  

Vì sao NHNN lại nới lỏng một phần việc xử lý nợ xấu sau ngày 30-9-2015 như vậy? So với đầu năm, kinh doanh tiền tệ hiện nay khó hơn và cơ hội tỏ ra không còn rộng như trước. Tín dụng đang tăng, theo thống kê của NHNN, đến ngày 25-8-2015 tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,54% so với cuối năm ngoái, nhưng lợi nhuận thuần từ tín dụng của các ngân hàng lại không tăng ở mức tương ứng. Lãi suất đầu ra tiếp tục chịu sức ép phải giảm thêm trong khi lãi suất đầu vào không thể hạ nữa trong bối cảnh tỷ giá biến động. Mặt khác, cơ quan quản lý vẫn cứng rắn trong đòi hỏi trích lập dự phòng rủi ro.

Lúc này tăng trưởng tín dụng cao chưa chắc đã tốt, mà xử lý rốt ráo nợ xấu mới là ưu tiên hàng đầu. Xử lý nợ càng cấp bách với những tổ chức tín dụng nằm trong danh sách “ngầm” yếu kém. Thị trường sẽ không ngạc nhiên nếu tới đây có thêm ngân hàng 0 đồng hay ngân hàng với cơ chế xử lý mang nặng dấu ấn nhà nước.

Những giải pháp “mềm hóa” tháo gỡ nợ xấu sẽ làm trầm trọng thêm sự phân hóa cũng như phân chia thứ bậc giữa các tổ chức tín dụng.

Trong khi nhóm trên đang bứt phá thì nhóm dưới đang vật lộn với nợ xấu sẽ gặp không ít cửa ải. Với họ, cánh cửa trái phiếu mới từ quy định của Thông tư 14 có thể sẽ chỉ là một điểm sáng xa xa, ngóng trông mà không thể đến gần!    

Theo Hải Lý
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG