TBKTSG: Theo ông, tình hình kinh doanh năm nay của các ngân hàng tại Việt Nam có khả quan hơn năm ngoái hay không?

- Ông Phạm Hồng Hải: Kết quả kinh doanh của các ngân hàng năm nay nhìn chung sẽ tốt hơn năm ngoái một chút nhưng tôi không kỳ vọng có thay đổi lớn so với lợi nhuận năm ngoái (năm 2014 tỷ lệ tăng trưởng trong kết quả kinh doanh trung bình của các ngân hàng thấp hơn nhiều năm gần đây - PV) vì các ngân hàng sẽ tiếp tục phải dùng lợi nhuận để giải quyết nợ xấu. Tôi cho rằng xu hướng này còn tiếp tục năm 2016 và từ năm 2017 trở đi ngân hàng mới có thể thực sự tăng trưởng trở lại.

TBKTSG: Vậy cơ hội của ngành ngân hàng đang ở đâu?

- Ngành ngân hàng là một thành phần không tách rời của nền kinh tế. Nếu bản thân nền kinh tế không phát triển về chất thì ngân hàng sẽ còn gặp khó khăn. Nợ xấu thực ra xuất phát từ kinh tế nên nếu kinh tế không bài bản quy củ thì nhiều khả năng nợ xấu sẽ lặp lại trong tương lai. Điểm tích cực là khi tôi nói chuyện với lãnh đạo các ngân hàng gần đây mọi người đều thừa nhận họ không trông chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giúp xử lý nợ xấu cho mình mà tự dùng lợi nhuận giữ lại để giải quyết, chỉ trừ một số ngân hàng nhỏ lợi nhuận không đủ trong khi nợ xấu cao thì phải giấu nợ xấu hoặc chờ giải cứu.

Ngành ngân hàng vẫn có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam nếu nhìn vào tỷ lệ rất thấp người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay. Thực ra tiềm năng đó được khai phá còn chậm do có quá nhiều ngân hàng và do đó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Một số ngân hàng chấp nhận lãi suất tiền gửi cao hơn lãi suất cho vay chỉ để giữ khách, cái đó không thể tạo bệ phóng lâu dài cho ngành ngân hàng. Tôi hy vọng qua tái cấu trúc ngân hàng sẽ gom lại ít ngân hàng hơn nhưng hoạt động bài bản hơn, quy mô lớn hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.

TBKTSG: Ông nhìn thấy chiến lược về phân khúc khách hàng của các ngân hàng hiện thay đổi như thế nào?

- Trong xu thế hiện nay, đã và đang có rất nhiều ngân hàng toàn cầu phải thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng thanh lọc khách hàng mạnh mẽ hơn và điều này cũng đang bắt đầu diễn ra tại thị trường Việt Nam. Hiện nay yêu cầu của cơ quan quản lý thị trường với ngân hàng ngày càng cao, ngân hàng phải đi qua nhiều quy trình ngày càng chặt chẽ và phức tạp nên chi phí để duy trì tài khoản của một khách hàng cao hơn và tổng thể chi phí để vận hành ngân hàng ngày càng lớn hơn so với trước đây nên nhiều ngân hàng phải thay đổi chiến lược. Trong hàng ngàn khách hàng nếu chỉ cần 1-2 khách hàng làm những động tác trốn thuế, liên quan đến cấm vận hay tội phạm tài chính thì áp lực rủi ro và tiền phạt đối với ngân hàng sẽ rất lớn. Ngân hàng cũng sẽ từ chối phục vụ một doanh nghiệp nếu phí thu về không đủ bù đắp những chi phí bỏ ra để đáp ứng chuẩn mực mới.

TBKTSG: Tại HSBC Việt Nam thời gian qua chất lượng tài sản của ngân hàng đã thay đổi thế nào?

- Gần đây chúng tôi đã chuyển hướng dịch vụ, chuyển dịch sự tập trung từ tất cả phân khúc khách hàng sang một số phân khúc mà chúng tôi hiểu và có khả năng cung cấp giá trị cộng thêm tốt hơn cho họ. Mạng lưới của HSBC hiện có trên 73 nước, và thế mạnh của HSBC là phục vụ những khách hàng cần tiếp cận thị trường vốn quốc tế, có nhu cầu xuất nhập khẩu hay mua bán, sáp nhập và đầu tư. Những khách nào thực sự chỉ hoạt động và cần dịch vụ trong phạm vi nước sở tại thì ngân hàng nội địa có khả năng phục vụ họ tốt hơn. Sự chuyển hướng tập trung này đã diễn ra gần hai năm qua và tôi thấy chất lượng tài sản của ngân hàng cũng như sự hài lòng của khách hàng tốt hơn rất nhiều.

TBKTSG: Thị trường từng đồn đoán về việc thoái vốn khoản đầu tư của HSBC tại Techcombank, hiện ngân hàng có ý định đó?

- Tôi không bình luận các khoản đầu tư của tập đoàn mẹ nhưng bất kỳ quyết định nào của chúng tôi cũng được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của ngân hàng tại Việt Nam trong dài hạn. HSBC không chỉ là nhà đầu tư tài chính mua bán kiếm lời ngắn hạn mà hoạt động trên nguyên tắc đầu tư lâu dài, bất kỳ quyết định nào cũng phải dựa trên nguyên tắc này.

TBKTSG: Một số chi nhánh, ngân hàng nước ngoài vốn là người chơi lớn trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) các năm trước giờ đây gặp rào cản từ Thông tư 36, HSBC xoay xở thế nào?

- Thị trường nợ đã phát triển tốt trong ba năm qua trong đó trái phiếu chính phủ là kênh mang lại hiệu quả kinh doanh và giúp vốn cho ngân sách trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn. Gần đây nhất, Nghị quyết 78 của Quốc hội giới hạn kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ từ năm năm trở lên. Theo tôi, trong bối cảnh thị trường hiện nay khi sức hấp dẫn từ các thị trường mới nổi không còn được như trước, việc giới hạn kỳ hạn trái phiếu nên có sự uyển chuyển vì khi nhà đầu tư quyết định kỳ hạn đầu tư, họ sẽ xem xét các yếu tố như lợi tức, tỷ giá, lạm phát, xu hướng thị trường. Chúng ta nên cho nhà đầu tư nhiều sự lựa chọn thông qua đa dạng hóa kỳ hạn trên thị trường.

Xung quanh Thông tư 36 có nhiều quan điểm trái ngược, tôi hiểu NHNN cũng đã chạy các mô hình và tính toán trước khi ban hành thông tư này, tôi cũng đã nói chuyện với nhiều ngân hàng, đa phần mọi người thấy vẫn ổn. Nhìn chung ảnh hưởng tổng thể lên thị trường sẽ không lớn dù các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh tỷ lệ của họ nhưng vẫn có ngân hàng còn dư địa mua trái phiếu. Các quy định mới có thể khó hơn với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài vì lượng tiền gửi khách hàng của họ ít. Nếu các ngân hàng có phản hồi thì chắc chắn NHNN sẽ xem xét. Phản hồi của thị trường và điều chỉnh của cơ quan quản lý là hai yếu tố không tách rời trong quá trình thực hiện chính sách. Với HSBC chúng tôi không có vấn đề gì khi tuân thủ theo quy định của Thông tư 36.

TBKTSG: Nhìn rộng hơn về kinh tế vĩ mô, điều ông băn khoăn nhất là gì?

- Hiện tại, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn và thậm chí gần đây chủ đề “Việt Nam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới” tạo hứng khởi cho nhiều người nhưng về lâu dài, tôi rất lo cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Lợi thế nhân công giá rẻ không tồn tại mãi, năm nào Nhà nước cũng phải tăng lương tối thiểu và sẽ đến lúc nào đó lợi thế nhân công sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nữa. Hiện tại, chúng ta chưa xây dựng được chiến lược cụ thể để tận dụng lợi thế nhân công, chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tôi lấy ví dụ về TPP, trong đó Việt Nam được coi là nước hưởng lợi lớn nhất, nhưng đi sâu hơn sẽ thấy thực tế đa phần người thực sự hưởng lợi là các doanh nghiệp FDI. Qua nói chuyện với các doanh nghiệp FDI, tôi được biết, năm 2013, 60% doanh số ngành dệt may là từ các công ty nước ngoài và 40% là từ các doanh nghiệp Việt Nam. Năm ngoái, 2014, tỷ lệ thay đổi là 70-30 và năm nay nhiều khả năng tiếp tục đi theo xu hướng hướng này. Khi chuẩn bị TPP, một doanh nghiệp phải có đủ vốn và công nghệ để tham gia cả chuỗi giá trị mới tận dụng được các quy định về xuất xứ nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói họ không có vốn và công nghệ nên đành chấp nhận làm gia công.

Thứ hai, chiến lược chung của đất nước gần đây là “tiếp cận gần với công nghiệp hóa”. Vậy còn nông nghiệp, cái gốc của Việt Nam, ở đâu? Tôi mừng vì thấy có những những doanh nghiệp lớn lao vào làm nông nghiệp và tôi hy vọng sẽ tới lúc có những cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước để cùng với các doanh nghiệp coi nông nghiệp là hướng đi mới thay đổi cục diện nông nghiệp Việt Nam.

Tiếp theo là giáo dục. Giáo dục là gốc của phát triển kinh tế và xã hội nhưng nhiều năm rồi giáo dục chưa có chuyển biến tích cực. Theo tôi, một nền giáo dục trước tiên phải xây dựng bài học về đạo đức làm người trước khi dạy người đó các kiến thức như văn, toán. Từ đó ta mới có được một tầng lớp doanh nhân kinh doanh trên nền tảng đạo đức, tuân thủ pháp luật và rộng hơn, một xã hội phát triển bền vững.

Nguồn: TBKTSG