Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam một lần nữa ngỏ lời với Bộ Giao thông Vận tải về việc tham gia làm đối tác chiến lược tại một trong những cảng biển mà Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) đang từng bước thoái vốn theo chủ trương cổ phần hóa.

Doanh nghiệp mới nhất mà ngân hàng này nhắm tới là Công ty cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ - nơi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang chiếm cổ phần chi phối với tỷ lệ vốn góp 51%, tương tương khoảng 102 tỷ đồng.

Tại đề xuất mới nhất của mình, Vietinbank mong muốn tiếp nhận toàn bộ số cổ phần của Vinalines để cấn trừ vào số nợ còn hơn 2.300 tỷ đồng của Tổng công ty.

Theo lãnh đạo ngân hàng, khoản dư nợ rất lớn này là hệ quả của các khoản vay đầu tư tàu biển của công ty mẹ Vinalines trong các giai đoạn trước đây, khi vận tải biển đang thời hoàng kim nên các con tàu cũng được định giá cao.

Tuy nhiên, đến nay giá trị những con tàu này đã bị giảm sút rất lớn nên cả trong trường hợp các bên thống nhất xử lý để thu hồi nợ vay thì giá trị thu hồi nhiều khả năng cũng không đủ thanh toán số nợ gốc đã vượt 2.000 tỷ của Vinalines tại Vietinbank.

Đây cũng không phải là lần đầu Vietinkbank thể hiện mong muốn đổi nợ của Vinalines thành vốn góp tại các doanh nghiệp cảng - lĩnh vực đang thu hút rất nhiều đại gia tư nhân.

Hồi đầu năm ngoái Vietinkbank đã phát văn bản bày tỏ nguyện vọng được đổi nợ thành cổ phần khi Vinalines chuẩn bị IPO cảng Hải Phòng cũng như bán tiếp vốn tại Cảng Đà Nẵng.

Đề xuất trước đó của Vietinbank đã nhận được sự đồng ý về nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan này cho rằng cách hoán đổi nợ như trên không chỉ là biện pháp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà còn giúp cho Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt khó khăn.

Trong khi đó, lãnh đạo Vietinbank tự tin rằng, việc chuyển nợ mẹ thành vốn góp cổ phần tại các công ty con của Vinalines không chỉ giúp doanh nghiệp này giảm bớt nợ nần mà còn có thêm sự hậu thuẫn về tài chính để các cảng thành viên mở rộng đầu tư, phát triển sau cổ phần hóa.

Một chuyên gia kinh tế cho hay, ý tưởng đổi nợ thành vốn góp từng là điều mà Vinalines chủ động đề xuất khi tiến hành tái cơ cấu tài chính vào cuối năm 2013.

Tuy nhiên, ý tưởng này chỉ được các ngân hàng hào hứng với khối doanh nghiệp cảng biển - lĩnh vực đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho Vinalines, trong khi cổ phần tại các doanh nghiệp vận tải lại không hấp dẫn.

Theo Chí Hiếu
VnExpress

Nguồn: VnExpress