IHS Global Insight  là hãng phân tích kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới, và Nariman Behravesh đã dựa trên các mô hình kinh tế đặc thù trong hơn 45 năm qua để đưa ra “10 dự báo kinh tế cho năm 2010” như sau:

1. Phục hồi kinh tế Mỹ bắt đầu chậm lại

IHS Global Insight  dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ ở mức 2% - 2,5% trong năm 2010. Trong khi chi tiêu cho nhà ở và trang thiết bị dự kiến đạt mức tăng khá, thì với chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 1,8%, GDP của Mỹ khó thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Một trong những nhân tố lớn ảnh hưởng xấu đến chi tiêu của các hộ gia đình sẽ là tỷ lệ thất nghiệp, có thể tăng tới khoảng 10,5% trong quý I/2010.

2. Châu Âu và Nhật Bản sẽ phục hồi chậm hơn Mỹ

Suy thoái kinh tế ở Châu Âu và Nhật Bản nặng nề hơn ở Mỹ và hai khu vực đó có thể cũng sẽ phục hồi yếu hơn Mỹ. Các nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh dự kiến tăng trưởng lần lượt 0,9% và 0,8% trong năm 2010.

Một số nền kinh tế Tây Âu như Iceland, Ireland và Tây Ban Nha, sẽ tiếp tục giảm trong năm 2010, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, cũng như các cơn dư chấn sau sự sụp đổ thị trường nhà ở. Kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng khá hơn, với mức tăng nhẹ 1,4%.

3. Phục hồi nhanh ở hầu hết các thị trường đang nổi, nhất là những nước thuộc Châu Á

Tăng trưởng GDP tại tất cả các khu vực đang nổi sẽ phục hồi vào năm 2010 và có thể sẽ tăng trưởng vượt Mỹ, châu Âu và Nhật Bản (trừ những nước đang nổi thuộc khu vực châu Âu). Châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) được dự báo sẽ đạt mức tăng GDP 7,1% trong năm 2010, trong khi Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi sẽ chứng kiến mức tăng 3 - 4%.

Khu vực tăng trưởng chậm nhất trong nhóm những nước đang nổi sẽ là những thị trường ở Châu Âu, với mức tăng chỉ 1,7%.

4. Lãi suất tại Nhóm G8 vẫn rất thấp

Trong khi một số ngân hàng trung ương, nhất là ở Australia, Israel và Na Uy, đã bắt đầu tăng lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chưa chắc sẽ có hành động tương tự cho tới quý III/2010. Một số ngân hàng trung ương ở châu Á, đặc biệt là Ngân hàng Dự trữ ấn Độ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, có thể đưa ra quyết sách này sớm hơn, có thể vào quý I hoặc II/2010.

5. Giảm dần kích thích tài chính

Các gói kích thích kinh tế khổng lồ của một số nước, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, đã giúp làm dịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một năm. Nay cuộc khủng hoảng hiện đã đi qua, hầu hết các quốc gia không có kế hoạch đưa ra thêm các biện pháp kích thích, trong khi một vài nền kinh tế dự kiến thắt chặt tài chính.

Ngay tại Mỹ, nơi gói kích thích kinh tế thứ hai đang được bàn bạc, Chính phủ vẫn không chi thêm cho bất kỳ chương trình nào, ngoài nỗ lực nhằm làm dịu những hiệu ứng xấu của tình trạng thất nghiệp leo thang.

6. Giá hàng hóa sẽ giảm

Việc giá hàng hoá tăng mạnh gần đây sẽ khó được duy trì, bởi nó bất lợi cho sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Giá hàng hoá tăng gần đây chủ yếu do hoạt động đầu tư, vậy nên nếu triển vọng kinh tế hồi phục chậm, giá chắc chắn sẽ giảm trở lại.

IHS Global Insight và IHS CERA dự đoán giá dầu và các mặt hàng khác sẽ đi xuống trong những tháng tới. Đặc biệt, giá dầu dự kiến sẽ giảm từ các mức hiện nay (khoảng 75 - 80 USD/thùng) xuống khoảng 65 USD/thùng vào mùa xuân năm 2010, trước khi tăng dần lên hơn 70 USD/thùng vào cuối năm 2010 nhờ kinh tế toàn cầu lấy lại đà phục hồi.

7. Lạm phát sẽ không còn là vấn đề

Tại hầu hết các khu vực trên thế giới, lạm phát sẽ không còn là vấn nạn. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng làm tốc độ tăng tiền lương chậm lại, và tình trạng dư thừa công suất quá lớn trên khắp thế giới cũng sẽ hạn chế khả năng tăng giá hàng hoá của các doanh nghiệp. Sức ép lạm phát duy nhất sẽ xuất hiện ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh (chủ yếu là ở châu Á) và những quốc gia ấn định tỷ giá đồng nội tệ thấp so với đồng USD (chủ yếu ở Trung Đông và châu Á).

8. Tình trạng mất cân đối toàn cầu sẽ xấu đi

Suy thoái sâu của kinh tế Mỹ là nhân tố chủ chốt khiến nước này bị thâm hụt tài khoản vãng lai trên 700 tỷ USD năm 2008 và gần 450 tỷ USD năm 2009. IHS Global Insight dự báo khoản thâm hụt này sẽ phình thêm khoảng 90 tỷ USD trong năm 2010, một phần do kinh tế Mỹ sẽ tăng nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển khác. Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu tại một số nền kinh tế lớn khác như Đức, Trung Quốc và phần còn lại của châu Á cũng là một nguyên nhân.

9. Đồng USD tiếp tục mất giá

Nhờ triển vọng kinh tế Mỹ sáng sủa hơn đôi chút so với kinh tế châu Âu và Nhật Bản, nhu cầu về đồng USD sẽ cải thiện. Điều này có nghĩa là giá trị đồng tiền xanh của Mỹ có thể tăng trong vài tháng tới. Tuy nhiên, do tiến bộ trong nỗ lực giảm những mất cân đối toàn cầu chỉ là tạm thời, sức ép giảm giá của đồng USD sẽ tiếp tục trong năm 2010. USD chắc chắn sẽ giảm mạnh nhất so với các đồng tiền của những thị trường đang nổi, do triển vọng tăng trưởng mạnh hơn tại các nền kinh tế này.

10. Nguy cơ xuất hiện cuộc khủng hoảng kép là rất cao

Hiện có khoảng 20% nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng kép, do nhiều nhân tố, trong đó có việc thắt chặt các chính sách tài chính hoặc tiền tệ, sự giảm sút mạnh trong chi tiêu tiêu dùng do thất nghiệp leo thang, sự tăng mạnh của giá dầu trên các thị trường quốc tế, cũng như sự thất bại của một vài thể chế tài chính lớn.

 

Nguồn: Vinanet