1. Venezuela

297,7 tỷ thùng

"Venezuela vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu từ dầu mỏ, chiếm 96% kim ngạch xuất khẩu và 40% nguồn thu của chính phủ, và 11% GDP”, theo CIA Factbook.

Hệ quả là khi giá dầu giảm mạnh từ cuối năm 2014, kinh tế Venezuela bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện Venezuela đang tìm kiếm các đồng minh ngoài OPEC với hy vọng ổn định giá dầu.

2. Ả rập Xê út 
268,4 tỷ thùng

Ả rập Xê út là “người chơi” chính trong “cuộc chơi” giá dầu trong vòng 1 năm trở lại đây. Gần đây nhất, Ả rập Xê út cùng với các nước khác trong OPEC đã từ chối hạ sản lượng dầu bất chấp giá giảm.
Trong khi đó, Iran cũng muốn tăng gấp đôi lượng dầu xuất khẩu sau khi được dỡ bỏ cấm vận nhờ thỏa thuận hạt nhân Iran với phương Tây.

3. Canada
173,2 tỷ thùng

Hầu hết dầu xuất khẩu của Canada là sang Mỹ và châu Âu. Đáng chú ý, Mỹ cũng là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Canada.
Theo các báo cáo mới đây, dầu chiết xuất từ cát Canada có hàm lượng carbon cao hơn 20% so với mức trung bình của các loại dầu khác.

4. Iran
157,3 tỷ thùng

Dầu thô Iran đóng vai trò là lá bài quyết định vào thời điểm này. Các chuyên gia cho rằng, sự trở lại của Iran trên thị trường dầu mỏ quốc tế có thể giá dầu giảm hơn nữa. Thêm vào đó, điều này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Ả rập Xê út cũng như với Nga.

5. Iraq
140,3 tỷ thùng

Kinh tế Iraq dựa phần lớn vào xuất khẩu dầu mỏ. Hệ quả là khi giá dầu giảm hồi cuối 2014, nguồn thu của chính phủ nước này giảm 30%.

Tính đến 2015, Iraq, một thành viên của OPEC, đã bơm ra thị trường một lượng dầu kỷ lục.

6. Kuwait
104 tỷ thùng

Dầu mỏ chiếm hơn 50% GDP của Kuwait. Nước này dự kiến tăng sản lượng dầu lên 4 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Sau khi quốc tế áp lệnh cấm vận lên Iran vào năm 2012, Kuwait và Ả rập Xê út đã thế chân Tehran ở thị trường châu Á. 

7. Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)
97,8 tỷ thùng

UAE cũng là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Sau khi giá dầu giảm mạnh cuối năm 2014, UAE, một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC tiếp tục đạt sản lượng dầu kỷ lục.

8. Nga
80 tỷ thùng

Mặc dù Nga hưởng lợi từ thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng sự trở lại của Iran trên thị trường dầu quốc tế đồng thời cũng là tin xấu với Nga khi mà Tehran có thể cạnh tranh với Nga trên thị trường châu Âu.

9. Libya
48,47 tỷ thùng

Kinh tế Libya phụ thuộc gần như hoàn toàn vào năng lượng. Doanh thu từ dầu và khí đốt giảm mạnh năm 2014 do các cuộc đình công tại các cảng dầu.

10. Nigeria
37,14 tỷ thùng

Dầu mang lại nguồn thu chính cho chính phủ Nigeria kể từ những năm 1970. Tuy nhiên, chính phủ nước này đang chật vật do dầu mất giá và đối mặt với sức ép cạnh tranh khi Iran trở lại thị trường.
Minh Phương
Theo BI