Nhập siêu năm nay sẽ không vượt 20 tỷ USD, tuy nhập siêu đã được khống chế dưới 1 tỷ USD/tháng, nhưng trong vài tháng gần đây lại đang có xu hướng tăng lên.

Cụ thể, mức nhập siêu tháng sáu là 736 triệu USD nhưng sang đến tháng 7 đã tăng lên 753 triệu USD và tháng 8 dự kiến khoảng 900 triệu USD.

Trước vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu khống chế nhập siêu không vượt quá 20 tỷ USD vào cuối năm nay và cho biết ba yếu tố khách quan tác động đến nhập siêu trong những tháng cuối năm.

+Thứ nhất, giá một số mặt hàng chúng ta phải phụ thuộc vào nhập khẩu đã và đang có xu hướng giảm như dầu thô, xăng dầu, sắt thép, phôi thép, phân đạm… Đây là yếu tố sẽ tác động đến giảm giá hàng nhập khẩu của chúng ta trong những tháng còn lại.

+Thứ hai, nhu cầu trong nước những tháng cuối năm phụ thuộc vào lượng hàng các doanh nghiệp đã nhập khẩu trong quý 2 và tháng 7 tháng 8. Trong khi đó, nhiều mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm đã vượt xa con số của cùng kỳ năm 2007.

Trong 8 tháng đầu năm, tính riêng về lượng, nhập khẩu thép thành phẩm đã tăng 36%, phôi thép tăng 46%, phân bón tăng 5%, urê tăng 48%, xăng dầu, mặt hàng chúng ta phải tiết kiệm do giá cả tăng cao, cũng tăng trên 13%...

+Thứ ba, những chính sách của Chính phủ vừa qua như giãn tiến độ, giảm đầu tư, hay tiết kiệm, chống lãng phí… khiến nhu cầu sử dụng của nhiều mặt hàng, đặc biệt là vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu, cũng sẽ giảm.

Theo thứ trưởng, với tình hình này, nhập khẩu trong các tháng tới sẽ không có tăng trưởng đột biến.

Về các giải pháp giảm nhập siêu những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu để giảm nhập siêu.

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam