Tuy nhiên, theo nhận xét của Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, sự tăng trưởng về sản xuất công nghiệp, XK hoàn toàn không bền vững. Đặc biệt với hàng loạt những đánh giá và dự báo của lãnh đạo các vụ, cục chức năng thì nhiệm vụ 5 tháng còn lại được xem là khá nặng nề.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, XK của nhiều nước trong khu vực tăng không đáng kể thì mức tăng trưởng của Việt Nam trong 7 tháng qua tăng 37% so với cùng kỳ là một điều đáng mừng. Riêng trong tháng 7, có tới 13/22 mặt hàng có tốc độ tăng hơn tháng 6. Trong đó nổi bật nhất là mặt hàng dệt may, tăng tới 100 triệu USD.

Theo Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, nếu giữ nguyên được tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì kim ngạch XK cả năm 2008 không chỉ dừng ở con số 62 tỉ USD mà còn có thể đạt tới 66 – 67 tỉ USD. Tuy nhiên, XK 5 tháng cuối năm sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đây tưởng như một tuyên bố mâu thuẫn nhưng nếu phân tích kỹ thì lại hoàn toàn có lý.

Thứ nhất, những mặt hàng mang nhân tố mới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh như: điện tử, đồ gỗ, dây cáp điện… đang chững lại. Ví dụ, mặt hàng điện tử, chỉ tiêu XK cả năm là 3,2 tỉ USD, thế nhưng 7 tháng đầu năm mới XK được 1,44 tỉ USD; dây và cáp điện cũng mới chỉ đạt 592 triệu USD trong khi kế hoạch cả năm là 1,3 tỉ USD; sản phẩm gỗ kế hoạch cả năm là 3 tỉ USD nhưng 7 tháng mới XK được 1,59 tỉ USD…

Thứ hai, trên cơ sở theo dõi phân tích về tình hình sản xuất, XK từ đầu năm đến nay cho thấy, trong cơ cấu 3 nhóm mặt hàng XK chính từ nay đến cuối năm thì có tới 2 nhóm: nông, lâm, thủy hải sản và khoáng sản khó có thể tăng trưởng về giá và không có khả năng tăng trưởng về sản lượng. Tuy sản lượng gạo dành cho XK tăng thêm 1 triệu tấn nhưng giá gạo lại đang giảm tới 50%; một số mặt hàng thủy sản chủ lực khó khăn về giá; cà phê, hạt tiêu… vừa không tăng về sản lượng vừa đang chững lại về giá XK. Đối với nhóm hàng khoáng sản, theo kế hoạch phấn đấu XK 15 triệu tấn dầu thô nhưng 7 tháng qua, XK chỉ đạt 7,8 triệu tấn. Còn lại mặt hàng than đá thì đạt 32 triệu tấn như năm 2007 là không thể có. Như vậy, hy vọng đưa kim ngạch XK tăng trưởng cao để thu hẹp khoảng cách nhập siêu dồn vào nhóm hàng thứ 3 đó là công nghiệp. Tuy nhiên ngoài mặt hàng dệt may đang có những tiến triển thuận lợi thì một số mặt hàng: da giày, sản phẩm gỗ, dây và cáp điện đều không có tốc độ tăng trưởng lớn.

Thứ ba, có 4 khó khăn lớn tác động nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng XK. Trước hết đó là điện, thời gian qua, tình hình sản xuất của những ngành hàng bị đình đốn và gặp khó khăn là do nạn thiếu điện trầm trọng. Theo tính toán nếu sản lượng điện dành cho sản xuất của các nhà máy bị cắt khoảng 30% thì thiệt hại cho DN cũng sẽ là 20 - 30%. Tiếp đến là lãi suất, tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn ở mức cao, vì thế vấn đề khó khăn trong thu mua nông, thủy hải sản và sản xuất cũng đều xuất phát từ đó. Vấn đề tỉ giá áp dụng trong thời gian qua sẽ có lợi cho NK hơn là XK. Nếu từ nay đến cuối năm, tỉ giá không được duy trì ổn định thì cực kỳ nguy hiểm cho các DNXK.

Cuối cùng là vận tải biển, mấy tháng qua, tuy các cơ quan chức năng đã có những tháo gỡ kịp thời nhưng về cơ bản là phí tăng cao, ách tắc lưu thông hàng hóa ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, một trong những mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đó là kiềm chế nhập siêu cả năm 2008 không được vượt qua 20 tỉ USD. Như vậy, khống chế nhập siêu của mấy tháng còn lại không phải dễ dàng bởi trong bối cảnh dự báo NK quí IV sẽ tăng cao theo chu kỳ nhu cầu thị trường. Đây là quãng thời gian NK hàng hóa cho dịp lễ tết và hàng hóa gối đầu cho những tháng đầu năm 2009.

Nếu nhìn vào những con số nhập siêu giảm dần trong mấy tháng gần đây, đặc biệt là tháng 7, mức nhập siêu chỉ còn là 800 triệu USD thì việc thực hiện chỉ tiêu như Chính phủ yêu cầu sẽ không quá khó khăn. Tuy nhiên, phân tích kỹ về nguyên nhân NK tháng 7 vừa qua giảm là do có tới 93% các mặt hàng thiết yếu bắt buộc phải NK để khuyến khích sản xuất trong nước nhưng lại không tăng. Mặt hàng vàng, phôi thép và thép không những hạn chế được NK mà còn XK ngược ra nước ngoài. Mặt hàng ô tô nguyên chiếc, xe máy… cũng giảm đáng kể do nhu cầu trong nước giảm. Thêm vào đó, XK tăng cao nên khoảng cách nhập siêu được thu hẹp lại đáng kể. Những lợi thế này được dự báo là sẽ không còn được phát huy mạnh như mấy tháng vừa qua, vì vậy thực hiện nhiệm vụ hạn chế nhập siêu trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn.

Cụ thể, nghiên cứu về một số mặt hàng có kim ngạch NK lớn cho thấy, trong khi NK ô tô nguyên chiếc giảm thì NK linh kiện ô tô lại tăng lớn. Ví dụ, tháng 7/2007 Việt Nam chỉ NK 3.600 bộ linh kiện, nhưng tháng 7/2008 thì NK tới 6.000 bộ, đưa kim ngạch dành riêng cho NK linh kiện ô tô 7 tháng đầu năm lên tới 880 triệu USD. Nhiều ý kiến cho rằng, phải tìm cách hạn chế NK những mặt hàng này, thậm chí dùng hàng rào kỹ thuật nhưng tất cả vẫn chỉ là chung chung, chưa có gì cụ thể.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đưa ra hàng loạt con số minh chứng cho tình trạng XK hầu như tăng ít trong khi NK đang gia tăng ở một số thị trường lớn như: EU (XK tăng 25%, NK tăng 76%); các nước ngoài EU XK được 1 tỉ USD thì NK tới 3 tỉ USD; châu Mỹ (NK tăng 61%)..

Mới đây ngày 1/8/2008, Bộ Công Thương đã ban hành quy định về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép NK tự động đối với một số mặt hàng: ôtô, xem máy, điện thoại di động và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác nhằm kiểm soát lượng hàng NK, hạn chế nhập siêu. Vì vậy hy vọng cùng các giải pháp kiềm chế nhập siêu đã được Bộ Công Thương đưa ra từ nhiều tháng qua sẽ có tác động tích cực và phát huy tác dụng trong mấy tháng tới.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đánh giá cao về những kết quả đạt được của ngành công thương trong thời gian qua. Đồng thời đạt được những kết quả đó thể hiện việc đưa ra những giải pháp thực hiện đúng đắn cũng như nỗ lực rất lớn của các địa phương và DN sản xuất kinh doanh trên cả nước. Tuy nhiên với hàng loạt những khó khăn đã nêu trên, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Vì vậy Bộ trưởng nhấn mạnh, dù khó khăn đến mấy thì nhiệm vụ của ngành công thương vẫn phải nỗ lực phấn đấu duy trì các chỉ tiêu tăng trưởng. Cụ thể, về sản xuất công nghiệp phải đạt từ 16,4 – 16,6% để mức trung bình cả năm là 16,5%, trong đó phải hạn chế tối đa việc cắt điện như thời gian vừa qua. Đối với tình hình XNK, phải quán triệt thực hiện được chỉ tiêu mà Chính phủ giao, thậm chí phát huy hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã đưa ra trong thời gian qua.

Bộ trưởng yêu cầu, tới đây công tác dự báo, giám sát các hoạt động XNK sẽ được giao ban, báo cáo hàng tuần. Về thị trường trong nước, ngoài việc yêu cầu Vụ Thị trường trong nước sớm hoàn thành đề án phân phối bán lẻ và phải phối hợp với các cơ quan chức năng làm việc trực tiếp với các tập đoàn, các nhà sản xuất, phân phối trong nước để theo sát được cung cầu, diễn biến thị trường, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân và DN, Bộ trưởng còn đề cập tới hai vấn đề nóng đó là hiện tượng tung tin đồn tăng giá xăng dầu mới đây ở TP.Hồ Chí Minh và việc lưu hành bày bán mặt hàng phân đạm giả làm chết cây trồng, gây tâm lý hoang mang cho người dân, lực lượng quản lý thị trường phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và đưa ra xử lý nghiêm khắc các hành vi trên.

(Thương mại)

 

Nguồn: Vinanet